Những điểm mới về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới của Bộ Luật lao động năm 2019

Thứ sáu - 14/05/2021 05:10
Bộ Luật Lao động (sửa đổi, bổ sung) năm 2019 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, quy định nhiều điểm mới về chính sách đối với lao động. Trên cơ sở thay đổi từ quan điểm bảo vệ lao động nữ sang thúc đẩy và bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, có nhiều chính sách mở nhằm phát huy vai trò của lao động nữ cũng như quyền bình đẳng giữa nam và nữ.
Thứ nhất: Bộ Luật Lao động 2019 đã bổ sung những chính sách mới nhằm bảo vệ thai sản, bảo vệ quyền của lao động nữ. Cụ thể:

- Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới (Khoản 3, Điều 137).

- Bộ Luật Lao động 2019 bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế của Bộ Luật Lao động 2012 nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ. Theo đó, trao quyền cho lao động nữ quyết định làm hoặc không làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; trao quyền cho lao động nữ quyết định có làm việc ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Điều 137, 142).

Thứ 2: Một số nội dung Bộ Luật Lao động 2012 chỉ được quy định đối với lao động nữ, nay sửa lại thành quy định đối với người lao động nói chung (gồm cả nam và nữ).

Thay vì đặt tên Chương (X) là “Những quy định riêng đối với lao động nữ” (Luật Lao động 2012), nay đổi thành: “Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới”. Trong đó, vừa kế thừa và giữ nguyên một số nội dung Chương X của Bộ Luật Lao động năm 2012. Đồng thời, xuyên suốt trong các Điều khoản đã bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung nhằm đảm bảo bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình, chăm sóc con. Cụ thể:

- Bổ sung đối tượng hưởng chế độ nghỉ thai sản: “Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội” (Khoản 5 điều 139).

- Sửa đổi bổ sung quy định bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản: “Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản” (Điều 140).

- Sửa đổi quy định về bảo vệ thai sản: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ trường hợp đặc biệt” (Khoản 3 Điều 137).

- Bổ sung quy định về trợ cấp cho người lao động (cả nam và nữ) trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai: “Thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản, người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội” (Điều 141).

- Bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: “Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động” (Khoản 4 điều 136).

Thứ ba: Bổ sung biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.

Cụ thể: Bổ sung quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

- “Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động” (Khoản c Điều 6).
- “Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và An toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (Khoản d Điều 6).

Thứ tư: Lần đầu tiên khái niệm về quấy rối tình dục được đưa vào Bộ luật Lao động.

Tại Khoản 9, Điều 3 ghi rõ: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

Trên cơ sở những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung đưa vào Bộ Luật Lao động 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 14/12/2020, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó có các điều khoản cụ thể liên quan đến chế độ chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Nguyệt - Phó trưởng ban TG-NC

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập77
  • Hôm nay15,646
  • Tháng hiện tại201,676
  • Tổng lượt truy cập4,019,637
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây