Lên phía trên
Nghỉ hưu trước tuổi cần chuẩn bị hồ sơ, giấy giờ gì để hưởng lương hưu 2024
Câu hỏi:
Bạn đọc hỏi: Tháng 3.2024, tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, vậy tôi cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gì để hưởng lương hưu?
Trả lời:

Công ty Luật TNHH YouMe trả lời: Theo quy định tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 6 của Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, hồ sơ liên quan đến việc hưởng lương hưu của người nghỉ hưu trước độ tuổi được xác định như sau:

Đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại đơn vị: Sổ bảo hiểm xã hội;

Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí (mẫu số 12-HSB) hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Sổ bảo hiểm xã hội;

Đơn đề nghị (mẫu số 14-HSB);

Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định;

Bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa trong trường hợp thanh toán phí giám định.

Sau khi thu thập đầy đủ giấy tờ nêu trên, trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động (đối với trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) hoặc người lao động (đối với trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện) sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Lên phía trên
Lương cán bộ, công chức, viên chức
Câu hỏi:
Bạn đọc hỏi: Dự kiến từ ngày 1.7.2024, lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng thêm 30%, vậy trong phần tăng thêm sẽ bao gồm những khoản tiền gì?
Trả lời:

Công ty Luật TNHH YouMe trả lời: Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ ngày 1.7.2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Như vậy, dự kiến từ ngày 1.7.2024, cán bộ, công chức, viên chức dự kiến sẽ được tăng khoảng 30%, bao gồm cả lương cơ bản và phụ cấp.

Bảng lương mới của cán bộ, công chưc, viên chức được xây dựng trên cơ cấu tiền lương theo Nghị quyết 27 như sau:

Lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang = Lương cơ bản + phụ cấp (nếu có) + tiền thưởng (nếu có).

Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1.7.2024 bao gồm 5 bảng lương sau:

Bảng lương 1: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Bảng lương 2: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo

Bảng lương 3: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

Bảng lương 4: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.

Bảng lương 5: Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

5 Bảng lương mới nêu trên sẽ thay thế 6 bảng lương hiện hành tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Lên phía trên
Luật thi đua khen thưởng năm 2022
Câu hỏi:
Luật thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung nguyên tắc khen thưởng như thế nào? Luật có hiệu lực khi nào?
Trả lời:
* Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng trên cơ sở thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm c khoản 2 Điều 5); Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (điểm d khoản 2 Điều 5); Đảm bảo bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng (khoản 3 Điều 5). Đặc biệt Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).
* Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Lên phía trên
Hợp đồng lao động
Câu hỏi:
Người lao động có được giao kết nhiều hợp đồng lao động không? Việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật lao động 2019:

– Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

– Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Lên phía trên
Lương theo vị trí việc làm của viên chức ngành Y tế
Câu hỏi:
Lương theo vị trí việc làm của viên chức ngành Y tế thay đổi ra sao từ 1.7.2024
Trả lời:

Lương theo vị trí việc làm của viên chức ngành Y tế khi cải cách tiền lương (dự kiến từ 1.7.2024) sẽ thay đổi theo hướng tăng so với hiện nay.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, tới đây sẽ bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù. Do đó, với những viên chức ngành Y tế tại đơn vị đặc thù, để đảm bảo chế độ cho họ, Bộ Nội vụ tính toán để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập đặc thù hiện hưởng để tiền lương theo vị trí việc làm ngành Y tế năm 2024 sẽ thay đổi theo hướng tăng so với hiện nay hoặc ít nhất cũng được bằng với mức lương hiện hưởng.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc tăng mức lương viên chức ngành Y tế theo những yếu tố nào. Tuy nhiên, mức lương theo vị trí việc làm viên chức ngành Y tế năm 2024 sẽ được điều chỉnh phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể tham khảo các tiêu chí sau:

- Vị trí việc làm:

Mức lương cơ bản sẽ được xác định theo từng chức danh, vị trí việc làm, dựa trên yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và trách nhiệm công việc.

- Chuyên môn:

Mức lương sẽ được điều chỉnh theo trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm của người lao động.

- Khu vực làm việc:

Mức lương sẽ được điều chỉnh theo khu vực làm việc, dựa trên mức sống và điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.

- Năng suất lao động:

Mức lương có thể được điều chỉnh dựa trên năng suất lao động của người lao động.

Ngoài mức lương cơ bản, viên chức ngành Y tế còn được hưởng các khoản phụ cấp khác nhau.

Tuy nhiên, đây chỉ là các tiêu chí mang tính chất tham khảo. Việc quy định bảng lương mới, mức lương của viên chức ngành Y tế sẽ được Nhà nước điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.

Lên phía trên
Phụ cấp theo nghề của công chức từ 1.7.2024
Câu hỏi:
Phụ cấp theo nghề của công chức từ 1.7 gồm 3 khoản phụ cấp khác nhau như thế nào?
Trả lời:

Khi cải cách tiền lương (dự kiến từ 1.7.2024), bảng lương mới của công chức sẽ xây dựng phụ cấp theo nghề bao gồm 3 khoản phụ cấp khác nhau.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đề cập về nội dung cải cách tiền lương cũng như xây dựng bảng lương mới 2024 với cơ cấu mới gồm:

Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Đồng thời theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ tiến hành sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương trong đó gộp các loại phụ cấp như sau:

- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường...).

- Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1.7.2024 trong bảng lương mới 2024 của công chức sẽ có phụ cấp theo nghề và phụ cấp này sẽ được gộp từ 3 phụ cấp khác, bao gồm:

+ Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề.

+ Phụ cấp trách nhiệm theo nghề.

+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Lên phía trên
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Câu hỏi:
Xin hỏi, hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động gồm những gì?
Trả lời:

Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 35 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (Nghị định số 88/2020/NĐ-CP) quy định về hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện như sau:

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ huấn luyện theo Mẫu số 11 tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Bản sao các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc tổ chức huấn luyện theo quy định của pháp luật và các chi phí thực tế có liên quan đến việc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng đề nghị hỗ trợ.

Điều 34 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động như sau:

Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện nhưng tối đa không quá mức dưới đây:

1. Hỗ trợ huấn luyện lần đầu:

a) Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên;

b) Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế;

c) Không quá 600.000 đồng/người với đối tượng là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Không quá 700.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

2. Hỗ trợ huấn luyện định kỳ không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động gồm các tài liệu theo quy định trên. Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động lần đầu đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động là không quá 700.000 đồng/người.






hoidapldld
 
11

LIÊN KẾT
FANPAGE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay2,149
  • Tháng hiện tại91,848
  • Tổng lượt truy cập6,468,585
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây