Theo Luật BHXH hiện hành, tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Sau khi tiếp thu góp ý của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bỏ đề xuất tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội gồm hầu hết các khoản thu nhập thực tế của người lao động. Thay vào đó, dự luật mới vẫn cơ bản giữ quy định hiện hành, nhưng bổ sung thêm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) gửi Bộ Tư pháp thẩm định sau khi đã tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.
Liên quan tới quy định về tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc (điều 37), cơ quan soạn thảo đã bỏ phương án đề xuất sửa đổi gồm hầu hết thu nhập thực tế của người lao động (phương án 2) như dự thảo đã lấy ý kiến trước đó. Thay vào đó, dự luật cơ bản giữ tiền lương tính đóng BHXH như quy định hiện hành, nhưng trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết.
Cụ thể, với người lao động nhận lương do người sử dụng quyết định, tiền lương tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Dự thảo mới bổ sung, tiền lương tính đóng BHXH do Chính phủ quy định chi tiết các khoản tính vào lương, nhưng theo khung tiền lương tính đóng BHXH. Khung tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng 50% tiền lương tối thiểu vùng, cao nhất bằng 8 lần lương tối thiểu vùng.
Theo Luật BHXH hiện hành, tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, ở Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, Bộ LĐ-TB-XH đã ghi nhận góp ý của nhiều đơn vị, đặc biệt khối doanh nghiệp và sửa lại phương án tiền lương tính đóng BHXH. Nếu quy định mới được thông qua, về cơ bản, tiền lương tính đóng BHXH sẽ trên 75% thu nhập thực nhận hằng tháng của người lao động.
Trong Dự thảo Luật BHXH gửi lấy ý kiến công khai hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án tiền lương tính đóng BHXH. Theo đó, phương án 1 như lựa chọn kể trên. Trong khi phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động, chỉ trừ tiền thưởng, các khoản hỗ trợ không liên quan tới công việc, chức danh.
Góp ý cho Dự thảo Luật BHXH sửa đổi liên quan tới tiền lương tính đóng BHXH, một số doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng, nếu theo phương án 2 kể trên, tiền lương tính đóng BHXH sẽ tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế theo tháng của người lao động. Điều chỉnh này sẽ làm tăng mạnh chi phí lao động của doanh nghiệp, khoản tiền đóng BHXH của người lao động cũng tăng lên nhưng thu nhập thực tế giảm đi.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, liên quan tới tiền lương tính đóng BHXH trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bộ nhận được nhiều ý kiến chọn phương án kế thừa quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn, đây là những khoản tương đối ổn định và được trả thường xuyên (phương án 1). Quy định này sẽ không tạo áp lực chi phí tăng đột biến lên doanh nghiệp và người lao động.
Trường hợp chọn phương án 2, các ý kiến góp ý đề xuất phải nêu rõ các khoản bổ sung, hỗ trợ, trợ cấp khác là gì để có cơ sở thực hiện, tránh tình trạng người sử dụng lao động "lách" bằng các khoản ngoài lương để giảm, trốn đóng BHXH. Dù theo phương án này, tiền lương tính đóng BHXH tăng, đồng nghĩa chế độ BHXH của người lao động được hưởng cũng tăng. Tuy nhiên, do cơ sở lương tăng, nên chi phí đóng BHXH của người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng theo, gây khó khăn cho thu hút đầu tư, tạo việc làm.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, năm 2022, tiền lương bình quân tính đóng BHXH bắt buộc của người lao động hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, tương đương khoảng 75% thu nhập bình quân thực nhận của người lao động.