Tránh gây sốc rút BHXH một lần, không để người lao động ồ ạt rời hệ thống

Thứ năm - 23/11/2023 22:55
Hôm nay (23.11), tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, QH thảo luận ở hội trường về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách như giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, đặc biệt là quy định liên quan tới rút BHXH một lần.
8
Theo quy định của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, sẽ có thêm khoảng 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT. Ảnh: Hải Nguyễn
Thêm 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp
Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), Dự thảo Luật được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. So với Luật BHXH năm 2014, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính.
Cụ thể: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do NSNN đảm bảo.
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho hay, những quy định như trên là một tín hiệu đáng mừng, mở rộng diện bao phủ của BHXH, thể hiện sự ưu việt, nhân văn trong chính sách về BHXH.
Tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 64). Nội dung liên quan tới BHXH một lần cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 2 phương án.
Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1.7.2025) thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Tờ trình của Chính phủ xác định, đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội) bày tỏ ủng hộ phương án 2. Tuy nhiên, kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động...

 

Tác giả bài viết: Nông Quyên - Ban TGNC LĐLĐ tỉnh theo Báo Lao động.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay5,419
  • Tháng hiện tại125,113
  • Tổng lượt truy cập6,501,850
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây