Tài liệu sinh hoạt nữ công: BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG GIA ĐÌNH

Thứ hai - 01/03/2021 02:58
Bình đẳng giới là gì?
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.
Tại sao phải thực hiện bình đẳng giới? 
Thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho cả phụ nữ, nam giới và xã hội. Điều 18, Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình cũng như trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”.
Cần thực hiện bình đẳng giới trong gia đình như thế nào?
1. Các thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ việc nhà
Từ bao đời nay, vẫn có quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Đó là những công việc vặt vãnh, không tên, nhẹ nhàng, đơn giản, ai làm cũng được. Chính nhiều phụ nữ cũng còn cho rằng chỉ có mình mới làm tốt công việc nội trợ; có một số phụ nữ không khuyến khích nam giới làm mà còn tỏ ra ái ngại khi thấy chồng hoặc con trai làm những công việc nội trợ một cách vụng về.
Còn nam giới ít khi làm việc nhà vì họ nghĩ rằng: Nam giới là trụ cột gia đình nên chỉ làm việc lớn; nam giới làm việc vặt sẽ mất thể diện với mọi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm; trong khi phụ nữ làm việc nhà khéo hơn nam giới; Trách nhiệm của phụ nữ là sinh đẻ, nuôi dạy con gắn với nội trợ trong gia đình; Mẹ nói năng nhẹ nhàng, tình cảm nên để mẹ dạy con tốt hơn còn bố nóng tính, hay quát mắng con làm con dễ sợ và bố chỉ dạy con việc lớn. Do vậy, nam giới không thường xuyên làm việc nhà, họ chỉ làm khi không có người phụ nữ nào giúp; nhưng trong thực tế nam giới cũng có thể làm tốt các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con, người ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc, dạy dỗ con...
Cùng nhau chia sẻ việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích:
+ Đối với người vợ:
Nếu không được người chồng chia sẻ việc nhà thì người vợ phải làm quá nhiều việc nhà, bản thân người vợ phải chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe giảm sút, gầy yếu, nhanh già hơn chồng; có ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí; thiếu thời gian học tập nên thiếu kiến thức về mọi mặt; không có thời gian tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, nên thiếu mạnh dạn, tự ti, vị trí xã hội thấp dần; thiếu hiểu biết để cùng chồng bàn bạc các công việc gia đình và xã hội; quan hệ vợ chồng thiếu đồng cảm.
Nếu được người chồng cùng gánh vác công việc gia đình, người vợ sẽ giảm gánh nặng công việc, có thời gian học tập, tham gia hoạt động xã hội để nâng cao kiến thức, mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống, địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao; chị em có thời gian tham gia hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ; có thời gian nghỉ ngơi, giải trí làm phong phú đời sống tinh thần, vui vẻ, trẻ lâu và không khí gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
+ Đối với con cái:
Khi người bố không chia sẻ công việc gia đình thì quan hệ tình cảm giữa bố và con ít gần gũi, thiếu sự cảm thông; trẻ phát triển không toàn diện vì thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của người bố; trẻ em trai chịu ảnh hưởng của tính gia trưởng và thiếu trách nhiệm; trẻ em gái trở lên tự ti, mặc cảm, an phận.
Khi người bố tham gia nhiều hơn vào việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con cái; trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn; con cái tự hào về bố, mẹ và gia đình; con học tập gương bố để tự giác làm việc nhà; quan hệ tình cảm bố con gắn bó hơn; trẻ sớm có hiểu biết về bình đẳng giới.
+ Đối với người chồng:
Người chồng cũng tự hào có gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con khôn; thông cảm hơn với sự vất vả, khó khăn của người vợ; thạo việc gia đình và dạy con làm tốt hơn; là tấm gương tốt cho con noi theo; có uy tín hơn đối với các con.
Chính vì những lý do trên mà trong mỗi gia đình, mọi người cần thay đổi quan điểm lạc hậu để nam giới chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc dạy dỗ con. Các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ cần mạnh dạn khuyến khích, động viên nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình. Bản thân nam giới sẽ tích cực chia sẻ việc nhà khi được gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm... đặc biệt là người vợ động viên, khuyến khích. Họ sẽ thấy làm việc nhà là việc làm đáng tự hào và có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội vì nó hỗ trợ phụ nữ có điều kiện tiến bộ và bình đẳng, trẻ em được đảm bảo quyền lợi.
2. Vợ, chồng cùng nhau giáo dục con; cùng tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề của gia đình
Vẫn còn các bậc cha mẹ quan niệm con gái chỉ cần học vừa đủ. Khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế hoặc thiếu lao động thì các bậc cha mẹ thường nghĩ đến việc cho con gái nghỉ học, không xem xét khả năng các con. Một số bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con gái là con người ta nên ở nhà giúp đỡ bố mẹ một thời gian rồi đi lấy chồng. Nhiều ông bố không quan tâm tới việc việc học hành của con mà giao phó hoàn toàn cho nhà trường và người mẹ. Nhiều ông bố cho rằng: bố nóng tính hay quát mắng con nên dạy con thường làm con sợ, khó tiếp thu bài...
Song thực tế nam giới hoàn toàn có khả năng làm tốt và làm chu đáo tất cả các công việc giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện bằng cách hướng dẫn, khuyến khích, quan tâm tới việc học tập của con như: Mua sách vở, đồ dùng học tập cho con; họp phụ huynh; đưa con đi học; hàng ngày kiểm tra sách vở, nhắc nhở con học bài; giải đáp thắc mắc của con; dạy con biết cách cư xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội; tâm tình, trò chuyện với con; động viên, khen ngợi khi con làm được những việc tốt. Thực ra, cả bố và mẹ phải hiểu rằng việc học hành là cần thiết đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai, việc phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong giáo dục là vi phạm quyền trẻ em.
Người xưa có câu “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Để hạnh phúc gia đình bền vững, khi đề cập những vấn đề lớn trong gia đình như: Phát triển kinh tế, mua sắm tài sản, định hướng nghề nghiệp cho con… thì cả vợ và chồng nên cùng nhau bàn bạc, quyết định để có sự đồng thuận và hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện mục tiêu.
3. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Vợ, chồng có kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ tự tin, chủ động lựa chọn và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có lợi nhất. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ có sức khoẻ, trẻ trung, nhan sắc tốt hơn; bên cạnh đó người chồng được hưởng hạnh phúc nhiều hơn do được vợ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Gia đình có điều kiện và cơ hội phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn. Vợ, chồng có điều kiện tham gia hoạt động xã hội, được tận hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Từ đó, đời sống vợ chồng sẽ bền vững và hạnh phúc hơn khi cả nam và nữ đều chủ động tự nguyện kiểm tra sức khỏe trước khi đăng kí kết hôn, để biết về nhau xem có ai bị mắc các bệnh di truyền, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV… để sức khoẻ gia đình được tốt hơn.
Đặc biệt, khi vợ mang thai người chồng cần biết giúp vợ làm việc nhà, đưa vợ đi khám thai, đảm bảo dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, động viên tinh thần cho vợ; không để vợ tiếp xúc với chất độc hại như phun thuốc trừ sâu…Sau khi sinh con, vợ, chồng nên lựa chọn một biện pháp tránh thai phù hợp; cùng chăm sóc, nuôi dạy con với tất cả tình yêu thương và khả năng tốt nhất; cha và mẹ tạo điều kiện để các con được tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên.
4. Phòng, chống bạo lực gia đình
Mọi người, đặc biệt là người chồng, phải chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến chống phân biệt đối xử với phụ nữ để nâng cao sự hiểu biết mọi mặt, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với vợ và người khác vì sự hoà thuận và hạnh phúc gia đình.
Để tránh dẫn đến bạo lực trong gia đình, nam giới - người chồng hãy tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mại dâm,…; Phụ nữ - người vợ cần chủ động tìm hiểu các quyền mà phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với chồng và mọi người trong gia đình.
Tóm lại, để gia đình được hạnh phúc bền vững, việc đầu tiên không thể thiếu là thực hiện bình đẳng giới giữa vợ và chồng cũng như các thành viên trong gia đình. Đó vừa là mục tiêu, cũng là điều kiện để mỗi người được sống trong hạnh phúc và phát huy hết năng lực cá nhân, vì một tương lai phát triển tốt đẹp của mỗi gia đình và toàn xã hội./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Nguyệt - Phó trưởng ban TG-NC

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay6,030
  • Tháng hiện tại161,090
  • Tổng lượt truy cập6,186,469
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây