Mã Văn Pá - người con của bản Mông tại xóm Pác Ròm, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông con với 6 anh chị em sàn sàn cách nhau hai năm một đứa. Là anh cả trong gia đình, tuổi thơ của Pá lớn lên trong vất vả lo toan thiếu thốn đủ bề: 5 - 6 tuổi đã lóc cóc lên nương theo mẹ bới đất trồng ngô, 7-8 tuổi đi học vẫn lấm lem chân đất đầu trần luồn rừng lội suối đến trường.
Những năm theo học các lớp cấp 2, Bảo Lâm mới thành lập huyện. Vùng đất Tây Nam xa xôi cách Trung tâm Thành phố Cao Bằng hơn trăm cây số vẫn còn hoang sơ vắng lặng bốn bề; xã Nam Quang lại nằm tít trên triền núi cao ngăn cách bởi dòng Sông Gâm hung dữ, đường đi chỉ là lối mòn len lỏi men theo lèn đá, xuyên qua những cánh rừng già âm u. Trẻ em đi học quả là một thách thức lớn đối với cả gia đình và bản thân các em.
A Pá bảo: “đi học còn phải dậy sớm hơn đi nương, nhiều hôm không kịp ăn sáng trưa về đói lả lần theo ven đường hái ổi, bới khoai ăn lấy sức mới về được đến nhà”. Những chuỗi ngày gian nan cực nhọc mà không phải ai cũng có thể vượt qua và theo đuổi suốt mười mấy năm trời. Nhưng nắng mưa, sương gió dãi dầu đã tôi luyện cho con người dẻo đôi chân, mạnh đôi tay và ý chí kiên cường vượt khó.
Học lên cấp 3 phải đến ăn ở trọ tại ký túc xá xa nhà; khó khăn lại càng thêm chồng chất, bởi gia đình thiếu đi một lao động chính, cộng thêm các khoản chi phí chu cấp cho con ăn học mỗi tuần… Đã mấy lần định bỏ giữa chừng về nhà giúp bố mẹ công việc ruộng nương đỡ đần đàn em nhỏ nheo nhóc. Nhưng các thầy cô giáo động viên khuyên bảo: “A Pá sáng dạ lại chịu khó, bỏ học thì phí lắm. Hãy cố gắng thêm vài năm nữa học xong rồi về giúp bố mẹ và các em cũng chưa muộn, mà còn làm được nhiều hơn đấy”…
Năm 2004, 22 tuổi dẫu hơi muộn một chút, chàng trai A Pá trở thành người đầu tiên của con em bản Mông Pác Ròm tốt nghiệp phổ thông trung học. Thấy em hiền lành chịu khó và có khả năng tiếp thu, nhà trường cùng cấp ủy và chính quyền địa phương đề nghị cho đi học Đại học Y Dược Thái Bình theo diện cử tuyển. Lại một lần nữa cả nhà lo lắng, băn khoăn không biết lấy tiền đâu để nuôi con ăn học ở nơi xa xứ, một nỗi lo dường như quá sức tưởng tượng của bất cứ gia đình nào ở làng quê nông thôn miền núi, nhiều bậc phụ huynh suy sụp bởi vì lo toan nuôi con đi học đại học.
Nhưng rồi mọi sự nỗ lực cố gắng trước sau rồi sẽ có sự đền đáp và đem lại thành quả đáng mừng. Năm 2012 tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Bình, A Pá trở về quê hương công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, nơi đang rất cần những người con tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với kiến thức chuyên môn và tấm lòng nhiệt tình vì bà con thân yêu, Bác sỹ A Pá không quản ngại khó khăn gian khổ, cần mẫn tận tụy với mọi công việc, luôn chịu khó lắng nghe, chịu khó nghiên cứu học hỏi phấn đấu từng bước khẳng định vị trí và niềm tin đối với đồng nghiệp và bà con nhân dân.
Bác sỹ Hà Thị Thu - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm là một đồng nghiệp làm việc lâu năm với bác sĩ Pá cho biết: Bác sỹ Mã Văn Pá là một người có chuyên môn sâu, năng động, sáng tạo, nhiệt tình, năng nổ trong công việc cũng như các hoạt động khác của đơn vị. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, bác sỹ Pá cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn chủ động, sáng tạo trong công việc và làm chủ các kỹ thuật mới để ứng dụng trong điều trị cho người bệnh, bác sỹ Pá thực sự là tấm gương để đồng nghiệp học tập và noi theo".
Năm 2018, sáu năm sau khi ra trường, Anh tiếp tục được cử đi học Bác sỹ chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành hồi sức cấp cứu tại Trường Đại học Y Hà Nội một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Trung tâm Y tế cấp huyện.
Đầu năm 2021, kết thúc khoá học trở về giữa lúc cả nước đang gồng mình chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19 hoành hành và có nguy cơ lan rộng. Cao Bằng còn bình yên nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tình hình dịch bệnh vô cùng cấp bách. Hưởng ứng lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. A Pá viết đơn tình nguyện tham gia Đoàn nhân lực y tế tỉnh Cao Bằng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 (đợt 2) gồm 34 công chức, viên chức y tế như một biểu tượng sáng ngời của đoàn quân 34 chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa lên đường Nam tiến. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn nhân lực y tế tỉnh Cao Bằng được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3, khu dân cư Bình Khánh, phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức. Đây là bênh viện lớn, có quy mô 2.500 giường, chia thành 02 block A và B. Đoàn nhân lực y tế tỉnh Cao Bằng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Block B và có 7 bác sĩ, 8 điều dưỡng (trong đó có A Pá) tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Khu hồi sức cấp cứu trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Ảnh: Bác sĩ Mã Văn Pá đang thực hiện chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện dã chiến số 3, khu dân cư Bình Khánh, phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức. Ảnh nhân vật cung cấp
Môi trường mới mẻ, nhưng cả đoàn gồm 13 bác sỹ, 15 điều dưỡng và 01 dược sĩ, 03 y sĩ, 02 kỹ thuật y đã một lòng quyết tâm, nhanh chóng triển khai công việc với tinh thần quyết tâm chống dịch như chống giặc, nêu cao ý thức trách nhiệm và thái độ tận tình phục vụ nhân dân. Ngày làm việc đầu tiên (30/8/2021), đoàn đã tiếp nhận, thực hiện theo dõi, điều trị cho 60 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại khu hồi sức cấp cứu tầng 1, nhà A. Với chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo của mình, A Pá được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia tiếp nhận xử lý và điều trị bệnh nhân nặng tại Khu hồi sức cấp cứu, một thử thách cam go và trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là thước đo để kiểm nghiệm bản lĩnh nghề nghiệp và trình độ chuyên môn. Kết quả, A Pá đã phối hợp với đồng nghiệp tiếp nhận, xử trí, theo dõi và điều trị cho 110 bệnh nhân nặng tại Khoa Chăm sóc điều trị tích cực (ICU). Trong đó thở máy 24 bệnh nhân, thở máy không xâm nhập (NIV) 11 bệnh nhân, thở Oxy dòng cao (HFNC) 45 bệnh nhân, lọc máu ngoài thận 8, thở oxy qua mặt nạ (Mask) 20 bệnh nhân, thở oxy qua canula mũi 10 bệnh nhân. Tại khu điều trị bệnh nhân cấp cứu (tầng 2) phối hợp với các đoàn chăm sóc điều trị, chăm sóc cho 950 bệnh nhân. Trong đó: Thở Oxy dòng cao (HFNC) là 256 bệnh nhân, thở oxy qua mặt nạ là 379 bệnh nhân, thở oxy qua canula mũi là 143 bệnh nhân. A Pá và các thành viên trong Đoàn nhân lực y tế tỉnh Cao Bằng đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng đối diện với gian khổ hy sinh bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu ngăn chặn và đầy lùi dịch bệnh. Được bà con nhân dân ghi nhận và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao.
Những ngày cuối tháng 9 điểm nóng dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hạ nhiệt từng ngày. Con số thống kê cập nhật số lượng ca nhiễm bệnh và tử vong giảm dần, số ca điều trị khỏi gia tăng… Nhịp sống đô thị đang trở lại yên bình, kết quả thành công và những tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch đã đem lại niềm tin vững chắc của nhân dân vào chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch ở Thành phố trọng điểm tập trung đông dân cư nhất của cả nước.
Vinh dự và tự hào thay cho A Pá, người con của bản Mông xa xôi nơi vùng núi biên cương phía Bắc Tổ quốc, nơi chàng trai một thời tuổi thơ đánh vần với từng con chữ, thăng trầm trăn trở học hành; để cho hôm nay chắp thêm đôi cánh, trí và lực vươn xa trên chặng đường dài đất nước; đem kiến thức y học và cả tấm lòng yêu nghề của mình đóng góp tích cực cụ thể và thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Thành phố mang tên Bác Hồ, cũng như sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cho người dân tại quê hương Cao Bằng, mảnh đất đã nuôi dưỡng và sinh ra những người con ưu tú, biết vượt qua mọi gian nan thử thách, vươn lên mạnh mẽ để trở thành người công dân có ích cho xã hội.