Bác Hồ và những lời dạy về gia đình

Thứ tư - 26/06/2024 04:44
Gia đình luôn là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. 
Gia đình luôn là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Vì vậy, Bác Hồ từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Giáo dục gia đình
Trong thư ngày 31-10-1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Bác “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” .
Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6-1957, Bác căn dặn cán bộ đảng Ngành này: “Phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Theo Bác, giáo dục trẻ em là cần làm cho trẻ biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng. Bác khuyên mọi người trong gia đình phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thi đua với nhau vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình và đất nước.
Screenshot (29)
Bác Hồ thăm các gia đình công nhân Trường Cán bộ Công đoàn năm 1961.
 
Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”. Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội hiện nay còn tồn tại nhiều tệ nạn, những cám dỗ đối với trẻ em, gia đình chính là nơi bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Và chính gia đình là nơi khởi đầu những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp, lòng yêu nước, sự đùm bọc lẫn nhau.
Xây dựng văn hóa ứng xử gia đình
Văn hóa ứng xử là hạt nhân gắn kết mọi thành viên trong gia đình và tất cả những tinh túy của truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc cũng từ nguồn cội này mà ra.
Đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và trao quyền các giá trị văn hóa. Nó tạo dựng cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người. Gia đình Việt Nam với tất cả các mối quan hệ bên trong của nó đang biến đổi trong thời đổi mới, vừa kế thừa truyền thống vừa hướng tới xây dựng gia đình hiện đại. Do đó, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng "gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra, lớn lên và trưởng thành cũng từ cái nôi của một gia đình mang đậm những nét điển hình văn hóa ứng xử của một gia đình truyền thống Việt Nam. Từ những điểm mạnh đó của truyền thống văn hóa gia đình, có thể vận dụng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh để giáo dục mỗi thành viên trong gia đình. Bởi vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia rất coi trọng yếu tố gia đình và khi đến bất cứ một gia đình nhỏ nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn thờ một cách trang trọng. 
Với người lớn, Bác Hồ là động lực để họ học tập và làm theo tấm gương của Người. Với các em thuộc thế hệ mầm non, việc thi đua thực hiện tốt ‘Năm điều Bác Hồ dạy” là động lực để thúc đẩy các em luôn chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô, ông bà, cha mẹ, thương yêu bạn bè….để xứng đáng là "Cháu ngoan Bác Hồ”.
Giáo dục ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh trong gia đình là điều cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nếu làm được điều đó, nó sẽ có tác dụng đem đến cho mọi thành viên trong gia đình nói riêng và lan tỏa ra toàn xã hội một niềm tin, một nhận thức đúng đắn về quan hệ xã hội, tránh được những biểu hiện sai lệch do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại.
Gia đình và xã hội
Bác Hồ cho rằng giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng gia đình riêng lẻ mà phải mở rộng tác dụng ra làng xã và toàn xã hội, phải chăm lo đến cả con cái những gia đình khác trong đại gia đình của dân tộc ta. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ: Những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng rãi nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một gia đình. Đã là đại gia đình thì sự săn sóc, dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan mà phải cố gắng cho tất cả con cháu mình ngoan và khỏe.
Và chính Bác đã nêu một tấm gương mẫu mực cho các bậc cha mẹ và người lớn về sự quan tâm chăm sóc trẻ thơ, mang lại cho trẻ em hạnh phúc được sống cùng cha mẹ, được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành tiến bộ. Bác rất coi trọng việc giáo dục trẻ em biết kính yêu thầy cô và giúp đỡ cha mẹ. Đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù công việc bộn bề, đất nước còn nhiều khó khăn, Bác đã dành thời gian nói chuyện với thiếu nhi, Bác căn dặn: Các em nên rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm, ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ cha mẹ, ở xã hội thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi chung… 
Thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày Gia đình Việt Nam là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.  
Việt Nam đang bị phai nhạt khiến cho nhiều gia đình Việt có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Vì vậy, Ngày Gia đình Việt Nam đang trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc.
Quay ngược thời gian, chúng ta nhớ về gia đình của Bác Hồ kính yêu. Cả gia đình Bác đã hy sinh cho nhân dân, cho đất nước. Gia đình Bác đã hòa vào mỗi gia đình người Việt Nam hôm nay và mai sau. Mặc dù Bác không lập gia đình, không có vợ, con nhưng mỗi gia đình Việt Nam như có Bác ở bên, đi theo con đường Người chọn, học tập và làm theo lời Người dạy. Gia đình của Người, sống mãi cùng gia đình Việt Nam, trường tồn cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.
                                    

Tác giả bài viết: Nông Quyên - Ban TGNC LĐLĐ tỉnh sưu tầm.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay4,484
  • Tháng hiện tại136,217
  • Tổng lượt truy cập6,161,596
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây