Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV ban hành ngày 10/11/2022 nhằm đảm bảo việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 14/3/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ, hướng dẫn công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiều năm qua tại một số cơ sở vẫn còn những vướng mắc, lúng túng về cách thức triển khai, tổ chức thực hiện một số nội dung, như: Tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức (HNCBCC,VC); bầu ban thanh tra nhân dân (BTTND) và hoạt động của ban hanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị (CQ, ĐV) có mô hình Công đoàn cơ sở (CĐCS) ghép…, cụ thể: các cơ quan, đơn vị này không biết phải tổ chức HNCBCC,VC như thế nào cho đúng, tổ chức hội nghị chung theo mô hình công đoàn cơ sở hay tổ chức riêng của từng CQ, ĐV; bầu BTTND chung cho các CQ, ĐV sinh hoạt cùng CĐCS; thành phần chủ trì HN, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của BTTND và có những CQ, ĐV mặc định việc tổ chức HNCBCC,VC là trách nhiệm của CĐCS và phải thực hiện hầu hết các nội dung trong HN, thậm chí là chi một phần kinh phí cho HN …
Tại khoản 1, Điều 51, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở “Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức. Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác của cơ quan, đơn vị nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm công tác tiếp theo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định sau khi lấy ý kiến của Công đoàn cơ quan, đơn vị”. Như vậy có thể thấy rất rõ trách nhiệm tổ chức HNCBCC,VC là của người đứng đầu CQ, ĐV và công đoàn phối hợp thực hiện một số nội dung theo khoản 3, Điều 51, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Mục II, Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Khoản đ, Điều 51 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định “Cơ quan, đơn vị có từ 07 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở xuống có thể tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu thấy cần thiết”, theo đó các CQ, ĐV có số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tương ứng sẽ không bắt buộc phải tổ chức HN này, đồng thời không tổ chức BTTND theo khoản 1, Điều 60 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Vậy đối với các CQ, ĐV có CĐCS ghép thì tổ chức HNCBCC, VC, tổ chức BTTND như thế nào? Thực tế tại nhiều ngành, địa phương có mô hình CĐCS ghép nhiều CQ, ĐV để thuận tiện cho hoạt động công đoàn nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc, lúng túng của cán bộ công đoàn trong tham mưu, phối hợp thực hiện nội dung này. Khoản 1, Điều 51, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở ghi rõ “Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức”, như vậy phải hiểu CQ, ĐV có tư cách pháp nhân, có thủ trưởng đơn vị và có trên 7 cán bộ công chức, viên chức, người lao động thì phải tổ chức HNCBCC, VC của CQ, ĐV đó chứ không phải tổ chức HN chung cho các CQ, ĐV sinh hoạt trong 1 CĐCS ghép vì mỗi CQ, ĐV trong CĐCS này đề có thủ trưởng riêng, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Tổ chức BTTND trong các CĐCS ghép thì thực hiện thế nào? thực tế trong nhiều năm qua vẫn có nhiều CĐCCS không biết thực hiện nội dung này như thế nào mặc dù các văn bản luật có liên quan như nghị định, thông tư hướng dẫn khá chi tiết tuy nhiên do nhận thức, cách hiểu chưa đồng nhất nên một số CĐCS đã và đang thực hiện không đúng quy định. Tại Khoản 2, Điều 60 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: “Thành viên Ban Thanh tra nhân dân là người đang công tác trong cơ quan, đơn vị, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cơ quan, đơn vị, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân; không đồng thời là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của cơ quan, đơn vị” và Khoản 1, Điều 60 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nói rõ: “Trường hợp cơ quan, đơn vị có từ 07 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở xuống hoặc trong các trường hợp đặc thù thì không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân”. Theo đó, mỗi CQ, ĐV có từ 7 cán bộ, công chức, viên chức người lao động trở lên thì đều phải bầu BTTND của CQ, ĐV mình và CQ, ĐV không đủ số cán bộ, công chức, viên chức người lao động dưới 7 người thì không phải bầu BTTND.
Để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là chức năng đại diện bảo vệ, cán bộ công đoàn các cấp cần thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; tham mưu, phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị gắn với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn tại địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.