Công đoàn tỉnh Cao Bằng 76 năm xây dựng và phát triển

Thứ ba - 04/04/2023 00:28
Trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự phối hợp của các Ban, Ngành, đoàn thể quần chúng trong tỉnh. Phong trào CNVCLĐ và Công đoàn Cao Bằng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, luôn luôn phấn đấu vươn lên, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
z4236644311253 c54a5053140e246a1f5fc47030f3811d
Ra đời  vào ngày 04/4/1947, cùng với phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, ở thời điểm nào tổ chức Công đoàn Cao Bằng luôn phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân. Đóng vai trò làm nòng cốt trong các cuộc vận động cách mạng ở địa phương, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Phong trào công nhân và Công đoàn Cao Bằng (1946-1954)
Tại hội nghị Đại biểu công nhân cứu quốc cả nước họp ngày 20/6/1946, đã quyết định đổi tên Hội công nhân cứu quốc thành Công đoàn và ngày 20/7/1946 Tổng LĐLĐ Việt Nam chính thức thành lập.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, để kiện toàn các tổ chức quần chúng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Công đoàn. Ngày 04/4/1947 Công đoàn tỉnh Cao Bằng được thành lập
Ngay sau khi Liên hiệp Công đoàn tỉnh được thành lập, các công đoàn bộ phận lần lượt ra đời. Trước hết là công đoàn thị xã (nay là Thành phố), sau đó là Công đoàn mỏ thiếc (Xí nghiệp Bình Ca) được thành lập …
Sự ra đời của Liên hiệp Công đoàn tỉnh Cao Bằng có ý nghĩa to lớn trong việc tổ chức, động viên công nhân và đoàn viên công đoàn hăng hái tham gia  đóng góp sức người, sức của bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bên cạnh việc chăm lo xây dựng tổ chức, vận động thành lập Công đoàn, tổ chức công đoàn tỉnh còn chú trọng tập hợp công nhân bằng cách tổ chức các trại di cư, thiết lập các công binh xưởng chuyên sản xuất vũ khí, lựu đạn… đi sâu làm công tác dân vận, giải thích cho CNLĐ hiểu thêm âm mưu xâm lược của kẻ thù; Chính quyền với Công đoàn động viên nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng lại một số xưởng sản xuất do đó thời điểm năm 1949 số đoàn viên toàn tỉnh khoảng 1.200 người. Những năm 1948-1950 tình hình chiến sự căng thẳng, ác liệt, công nhân lao động và nhân dân tỉnh Cao Bằng đã cùng nhau đánh giặc làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù.
Tính đến cuối năm 1952 toàn tỉnh có 1.800 đoàn viên Công đoàn. Do yêu cầu của kháng chiến, nhu cầu đảm bảo chi viện cho tiền tuyến ngày càng lớn. Với tinh thần vượt khó  khăn, khắc phục hậu quả sau chiến tranh; cán bộ công nhân tỉnh đã ra sức thi đua xây dựng Cao Bằng thành hậu phương vững chắc với quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Cùng với công cuộc xây dựng mọi mặt của hậu phương kháng chiến, Công đoàn Cao Bằng đã vận động CNLĐ, nhân dân tham gia, chi viện sức người, sức của cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Tính riêng đợt đầu tiên cả tỉnh đã huy động được 1.034 người đi phục vụ dài ngày cho chiến dịch, với gần 2.000 tấn lương thực của Cao Bằng đã được kịp thời chuyển ra mặt trận bằng các phương tiện thô sơ, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử Điện Biên phủ.
Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Một giai đoạn lịch sử mới được mở ra đối với dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
 Phong trào công nhân và công đoàn Cao Bằng trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1955 – 1975).
Năm 1955 số đoàn viên công đoàn tỉnh Cao Bằng là 3.500 đoàn viên. Để ổn định vể tổ chức, ngày 24/4/1957, Đại hội Liên hiệp Công đoàn toàn tỉnh lần thứ nhất đã được khai mạc tại Nhà hát thị xã Cao Bằng. Tới dự Đại hội có 102 đại biểu đại diện cho hơn 4.000 đoàn viên Công đoàn tỉnh Cao Bằng. Đại hội nhất trí thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ chức năng của Công đoàn trong năm 1957 là: Phát triển Công đoàn cơ sở, phát động quần chúng, cán bộ công nhân viên tập trung sức lực trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh, Công đoàn các cấp đã phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, ổn định đời sống CNVC; Sự phát triển đó được biểu hiện qua các mặt kinh tế: Về nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, văn hóa thể dục thể thao, y tế.
Để xây dựng Công đoàn vững mạnh về tổ chức, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu mới, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã củng cố hệ thống tổ chức công đoàn từ tỉnh đến công đoàn cơ sở, đưa số đoàn viên công đoàn cả tỉnh lên 6.688 đoàn viên, với 20 CĐCS, 24 công đoàn bộ phận, 342/345 tổ sản xuất chuyên môn có tổ chức công đoàn.
Với các phong trào thi đua “Giành vụ đông xuân thắng lợi, phong trào sản xuất tiết kiệm” của Ty Nông nghiệp; phong trào ba kiểm: “Đi kiểm, nghỉ kiểm, về kiểm” của công nhân công đoàn quốc doanh vận tải; phong trào ba tìm “Tìm hiện tượng, tìm nguyên nhân và tìm biện pháp sửa chữa” của công nhân Mỏ Tĩnh Túc…Công nhân vừa học vừa làm nhưng quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra để chào mừng Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai (03/6/1958). Sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Liên hiệp Công đoàn tỉnh tổ chức Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Đại hội đã biểu dương thành tích CNVCLĐ, Công đoàn trong ba năm khôi phục kinh tế
Giữa lúc cả tỉnh đang ra sức thi đua lao động để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, chào mừng Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua. Đội ngũ CNLĐ và tổ chức công đoàn vô cùng đau buồn khi được báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Công đoàn tỉnh đã biến đau thương thành hành động cách mạng, qua phong trào "Hành động nhớ ơn Hồ Chủ Tịch" CNLĐ cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác học tập làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch. Thực hiện lời dạy của Bác, cả mỏ đã rộ lên phong trào thi đua quyết tâm lao động đảm bảo năng suất, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Năm 1959 Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ra Nghị quyết cải thiện đời sống, Nghị quyết đã được Liên hiệp Công đoàn tỉnh thực hiện triệt để. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự giúp đỡ của các ngành chuyên môn, công đoàn Cao Bằng đã tìm mọi biện pháp để không những cải thiện đời sống mà còn tạo điều kiện lao động cho quần chúng. Để giải quyết việc làm cho CNVCLĐ, Công đoàn đã đề nghị với cơ quan chuyên môn xây dựng 400 gian nhà ăn, ở cho 80 đôi vợ chồng chưa có nhà ở, bồi dưỡng cho 50 cấp dưỡng đủ trình độ nấu ăn để CNVCLĐ có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công tác Bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm. Liên hiệp Công đoàn tỉnh đề nghị Tổng LĐLĐ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ giải quyết chế độ hưu trí đối với những công nhân hết tuổi lao động, bố trí nghỉ thai sản sớm hoặc làm việc làm phù hợp với những phụ nữ mang thai…
Trong ba năm (1958-1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế Liên hiệp Công đoàn tỉnh có 09 biên chế, cán bộ thiếu nhưng trong quá trình hoạt động đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở xung phong đảm nhận công việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Tỉnh ủy đánh giá là cơ quan có những bước phát triển mới, trong hoạt động của mình đã xuất hiện nhiều chiến sĩ thi đua và anh hùng lao động. Những cố gắng của CNLĐ, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và chính trị của tỉnh.
Tháng 2 năm 1961, Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ hai đã họp đề ra nhiệm vụ của phong trào công đoàn cả nước trong giai đoạn mới là: Tổ chức giáo dục cán bộ CNVCLĐ phát huy khí thế tích cực làm chủ của quần chúng mau chóng nắm được kỹ thuật tiến tiến để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trước mắt thi đua hoàn thành thắng lợi vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững lên CNXH, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất.
Tháng 3 năm 1961, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức Đại hội lần thứ V. Đại hội đã quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng của đất nước và vạch ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm lần thứ nhất. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ V, Nghị quyết Đại hội Công đoàn lần thứ II. Đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn Cao Bằng bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Với khí thế phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đầu năm 1961 Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã chỉ đạo CNVCLĐ thực hiện phong trào “Gió đại phong, sóng Duyên Hải, cờ ba nhất và tiếng trống Bắc Lý” đây là những lá cờ đầu của ngành Công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục…
Trong lúc Cao Bằng đang rộ lên phong trào thi đua sản xuất giành thắng lợi về  lương thực thực phẩm, ngày 16/3/1962 tại nhà hát Thị xã Cao Bằng Liên hiệp Công đoàn tỉnh tổ chức Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ III. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ qua. Đại hội đã bẩu đồng chí Dương Công Khởi làm Thư ký, đồng chí Đinh Ngọc Sang và Hứa Thị Xuân Đào làm Phó Thư ký Công đoàn tỉnh Cao Bằng. Tổ chức Công đoàn từ đây được kiện toàn mạnh hơn, số đoàn viên công đoàn càng đông hơn.
Ngày 25/9/1963 giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn thể CNVCLĐ, công đoàn tỉnh đang phấn khởi trước những thành quả đã đạt được, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VI. Trong Nghị quyết của Đại hội có phần nói rõ về nhiệm vụ của công đoàn là phải nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương về công tác công đoàn, phải nâng cao vị trí cuả công đoàn trong mọi hoạt động xã hội làm cho công đoàn thật sự trở thành trường học của CNXH….
Vừa sản xuất vừa chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm trong hai năm 1964-1965. Cùng với phong trào chung của cả nước Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã có kế hoạch đi sâu vào từng mặt kinh tế, chính trị - xã hội, động viên CNVCLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt là sản xuất và chiến đấu. Phong trào “Ba sẵn sàng, phụ nữ đảm đang”, phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” được Đảng và nhân dân cả tỉnh hưởng ứng. Nhiệm vụ Công đoàn lúc này là phải nâng cao ý chí của mình trong mọi hoạt động xã hội làm cho công đoàn thật sự trở thành trường học về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, trường học của CNXH, nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt cho CNVCLĐ; Giáo dục tổ chức vận động CNVCLĐ nâng cao ý thức cách mạng phấn đấu tự lực cánh sinh thực hành tiết kiệm, mở rộng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thành tổ đội lao động XHXN thực hiện cuộc vận động ba xây, ba chống đẩy mạnh sản xuất công tác đảm bảo hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước đặt ra.
Tháng 4 năm 1964 tại cơ quan Liên hiệp Công đoàn tỉnh, Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ 4 đã triệu tập. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Trương làm Thư ký công đoàn tỉnh, đồng chí Hứa Thị Xuân làm Phó Thư  ký. Đai hội đã hạ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phấn đấu trở thành tổ lao động XHCN trên mọi lĩnh vực.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) Cao Bằng từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu tàn dư chế độ cũ, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, cán bộ CNVCLĐ đã từng bước vượt qua khó khăn thử thách. Trong thời gian thực hiện Kế hoạch, Công đoàn tỉnh đã phát động các phong trào thi đua: “Chắc tay súng, vững tay cày”, phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” đối với nông nghiệp, phong trào thi đua “Ngày thứ 7 đẩy mạnh sản xuất” của mỏ thiếc….Công lao của Công đoàn đã góp phần xứng đáng vào xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội tạo cơ sở xây dựng CNXH ở miền Bắc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Năm 1965, sau khi đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề trong chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, Mỹ tiếp tục tiến hành chiến tranh cục bộ.Trước tình hình mới cực kỳ gay go, phức tạp. Hội nghị lần thứ 13 BCH Tổng Công đoàn Việt Nam đã xác định: “Trước tình hình khẩn trương cấp bách lúc này hơn lúc nào hết giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cần nêu cao ý chí tiên phong cách mạng, tích cực ủng hộ cách mạng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà”
Với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cấp công đoàn kết hợp với chuyên môn động viên CNVCLĐ di chuyển cơ quan, sơ tán tránh địch bắn phá, vận động quần chúng tham gia xây dựng kinh tế trong thời chiến. Các tổ chức công đoàn Nhà máy, xí nghiệp, công nông, lâm trường đã chuyển biến về mặt tư tưởng sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ trong hoàn cảnh nào.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ VII và Nghị quyết số 21 của BCH Tổng Công đoàn Việt Nam. Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã tổ chức Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ V. Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ mới của công đoàn năm 1969 – 1970 là: “Giáo dục, tổ chức động viên CNVC phát huy vai trò làm chủ tập thể, truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đẩy mạnh cao trào thi đua chống Mỹ cứu nước, hăng say sản xuất, công tác hoàn thành kế hoạch nhà nước, thiết thực tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, trước mắt phát động CNVC tham gia xây dựng và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất…, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ra sức xây dựng tổ chức và cải tiến sự chỉ đạo của công đoàn tỉnh xuống công đoàn các cấp, thực hiện khẩu hiệu tất cả  phục vụ cho cơ sở”
Tháng 3 năm 1972 tại Trường Đảng tỉnh (km4), Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI họp 3 ngày từ 28 đến 30 tháng 2 năm 1972. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 194 của Ban Bí thư, kế hoạch, hướng dẫn của Tổng Công đoàn Việt Nam và Công đoàn khu tự trị Việt Bắc, về vận động CNVC đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện Nghị quyết 01 của Tổng Công đoàn về vận động phong trào “Bảo vệ và giữ vững sản xuất, thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, sẵn sàng chiến đấu”, Nghị quyết 8, 9 của Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh mọi mặt công tác trước tình hình mới.
Năm 1974, sau đợt sinh hoạt chính trị, học tập Nghị quyết của Đảng nhất là sau Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III CNVC Cao Bằng đều thấy được thành tích to lớn của công đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước những khó khăn, thuận lợi trong tình hình mới, trong năm 1974 Liên hiệp Công đoàn tỉnh tổ chức đã tổ chức Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VII.
Phong trào công nhân và công đoàn Cao Bằng trong chặng đường cùng cả nước xây dựng và Bảo vệ tổ quốc (1976-1986
Chiến thắng Mùa xuân năm 1975 đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi, nhân dân cả nước bắt tay vào xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị về việc bỏ Khu tự trị Việt Bắc, ngày 04 tháng 3 năm 1976, Ban Thư ký Tổng Công đoàn ký Quyết định hợp nhất hai tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng. Công đoàn hai tỉnh cũng đã hợp nhất thành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Cao Lạng.
Khi hợp nhất toàn tỉnh có 52.169 CNVC, hơn 60% là công nhân trẻ, hơn 7.000 người có trình độ trung cao cấp. Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn bám sát vào Nghị quyết của Tổng Công đoàn, có biện pháp tuyên truyền giáo dục thiết thực phù hợp với mọi đối tượng CNVC, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, có tinh thần tập thể, lao động với tinh thần tự giác và nhiệt tình, theo phong cách lao động mới, nhận thức đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Quốc hội khóa IV quyết định tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Để duy trì các hoạt động của các cấp Công đoàn Cao bằng, ngày 17 tháng 4 năm 1979, Ban Thư  ký Tổng Công đoàn Việt Nam đã chỉ định BCH Liên hiệp Công đoàn lâm thời tỉnh Cao Bằng gồm 27  thành viên. Đồng chí Lê Minh làm Thư ký, đồng chí Đỗ Quang Tụ làm phó Thư ký.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Trong đó Cao Bằng là tỉnh bị đánh chiếm sâu rộng nhất, bị tàn phá nặng nề nhất. Toàn bộ thành quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Cao Bằng sau 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội bị phá hủy hoàn toàn. Trước những khó khăn và thử thách đó, đáp lời kêu gọi của BCH Trung ương Đảng, lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, đội ngũ CNVC chức tỉnh đã lập thành tích lớn. Ngày 18 tháng 3 năm 1979, quân địch buộc phải rút về bên kia biên giới.
Sau chiến sự, tình hình tổ chức bộ máy bị xáo trộn, có cơ sở phải giải thể, nhiều cơ sở xí nghiệp, công nông lâm trường phải phân tán ra nhiều nơi, gây khó khăn cho việc tổ chức, sản xuất, công tác. Trong điều kiện đó, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã phát động trong CNVC đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Phát huy sáng kiến, tiết kiệm”, “phục vụ nông nghiệp”, phong trào “CNVC tự tổ chức đời sống”…Những cố gắng của CNVC các cấp, các ngành trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, năm 1980 Liên hiệp Công đoàn đã thành lập thêm 7 công đoàn huyện, với tổng số cán bộ là 42 người.
Phong trào CNVC và hoạt động của tổ chức công đoàn trong 2 năm 1979 – 1980 đã góp phần trong công tác vận động, tổ chức hoạt động, giáo dục và rèn luyện đội ngũ CNVC trong tỉnh trưởng thành về cả tư tưởng, chính trị và hành động, nỗ lực vượt qua khó khăn gian khổ, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kinh tế - xã hội do tỉnh đề ra.
Từ ngày 25 đến 27 tháng 2 năm 1982 Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VIII được tổ chức tại thị xã Cao Bằng với 222 đại biểu tham dự. Đại hội biểu dương những thành tích to lớn của cán bộ, đoàn viên và CNVC trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho các cấp công đoàn trong tỉnh trong những năm tiếp theo: 1. Tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm trong CNVC; 2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục CNVC; 3. Ra sức chăm lo đời sống của CNVC; 4. Xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Công đoàn tỉnh Cao Bằng đã chỉ rõ: Tập hợp, giáo dục và động viên đội ngũ CNVC toàn tỉnh phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, nâng cao tinh thần, ý thức làm chủ tập thể XHCN, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm sẵn sàng chiến đấu bao vệ Tổ quốc; chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của CNVC; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh làm nòng cốt trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ mà tỉnh đề ra.
Sau Đại hội, hệ thống tổ chức công đoàn tỉnh được củng cố, năm 1983, kết nạp được hơn 1.000 đoàn viên, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đề bạt 05 đồng chí giữ các chức vụ Trưởng, Phó ban.
Công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn Cao Bằng trưởng thành đi lên trong sự nghiệp đổi mới
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra.  Chương trình 5 điểm của Tổng Liên đoàn, BCH LHCĐ tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho các cấp công đoàn: Tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất với mục tiêu: “Năng suất – chất lượng - hiệu quả” làm xoay chuyển tình hình sản xuất ở cơ sở theo hướng đi lên, giữ vững ổn định đời sống CNVC, củng cố kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động công đoàn.
Từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9 năm 1988, Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Cao Bằng lần thứ X đã được tổ chức, Đại hội có 196 đại biểu tham dự. Đại hội đã nhìn thẳng vào thực trạng phong trào CNVC và hoạt động công đoàn Cao Bằng và đề ra nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới hoạt động công đoàn, chủ yếu là đổi mới tư duy, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, đổi mới tổ chức cán bộ.
Trước yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn, Đại hội VI Công đoàn Việt Nam, quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Cao Bằng đổi tên thành LĐLĐ tỉnh Cao Bằng.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 1990 của công tác tổ chức là tiếp tục xây dựng CĐCS vững mạnh, củng cố lại công đoàn huyện, đổi mới phương pháp hoạt động. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã thành lập được 05 LĐLĐ huyện, chỉ đạo 4 LĐLĐ tổ chức bầu bổ sung BCH, thành lập mới 4 CĐCS. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Công đoàn Cao Bằng đã từng bước đổi mới về đội ngũ cán bộ, chăm lo bồi dưỡng cán bộ công đoàn kể cả đội ngũ cán bộ công đoàn bán chuyên trách, chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia quản lý trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội. Phối hợp với chuyên môn giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tham gia giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo lại nghề cho người lao động giúp họ có việc làm ổn định.
Ngày 28 tháng 6 năm 1993, Đại hội Công đoàn tỉnh Cao Bằng lần thứ XI được tổ chức. Đại hội xác định nhiệm vụ cho các cấp Công đoàn 5 năm (1993-1998) là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn về mọi mặt nhằm tập hợp được đông đảo CNLĐ trong mọi thành phần kinh tế, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội trên địa bàn. Chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động góp phần tích cực vào việc giữ vững sự ổn định về chính trị và phát triển kinh tế của địa phương”.
Giữa năm 1998 , Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Cao Bằng lần thứ XII đã được tổ chức tại Thị xã Cao Bằng. Đại hội đã đánh giá tổng quát phong trào và hoạt động động công đoàn các cấp từ 1993 – 1998, xác định mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1998-2003 với mục tiêu chủ yếu: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động CNVCLĐ; Nâng cao hiệu quả tổ chức, chỉ đạo các cuộc vận động và các  phong trào thi đua của CNVCLĐ các ngành, các cấp trong tỉnh; Nâng cao hiệu quả công tác tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan người lao động; Đổi mới công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động công đoàn các cấp; Vận động CNVCLĐ  tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; Tăng cường các hoạt động xã hội của công đoàn; Công đoàn tham gia với chính quyền, chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng…; Tăng cường vận động nữ CNVCLĐ; Đổi mới hoạt động tài chính.
Đại hội đại biểu Công đoàn Cao Bằng lần thứ XIII diễn ra từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 6 năm 2003 trong không khí đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, đổi mới. Đại hội đánh giá về phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ (1998-2003) và đề ra mục tiêu, phương hướng cho nhiệm kỳ (2003-2008).
Đại hội đại biểu Công đoàn Cao Bằng lần thứ XIV diễn ra từ ngày 24 đến ngày 25 tháng 6 năm 2008 đề ra phương hướng “Tiếp tục xây dựng đội ngũ CNVCLĐ phát triển về số lượng, chất lượng, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tích cực đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, tích cực tham gia xây dựng Đảng,chính quyền trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua hành động cách mạng thiết thực hiệu quả trong CNVCLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương”.
Hoạt động của Công đoàn tỉnh giai đoạn 2013 đến nay tập trung tuyên truyền động viên cán bộ, đoàn viên, người lao động phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng Cao Bằng ngày càng phát triển.
Với phương châm hành động: “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn; Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; Vì sự ổn định và phát triển bền vững của quê hương, đất nước” . Đại hội đại biểu Công đoàn Cao Bằng lần thứ XV diễn ra từ ngày 19 - 21/3/2013 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Đại hội đánh giá về phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ (2008- 2013) và xây dựng mục tiêu, phương hướng cho nhiệm kỳ (2013-2018). Mục tiêu tổng quát của Đại hội: "Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền xây dựng đội ngũ CNVCLĐ tỉnh Cao Bằng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH HĐH. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và hiệu quả trong CNVCLĐ. Chăm lo đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đàng của CNVCLĐ. Đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh” .
Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Cao Bằng lần thứ XVI diễn ra từ ngày 23 đến ngày 24/5/2018 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, với chủ đề: “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm. Mục tiêu tổng quát của Đại hội: “Tiếp tục xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Cao Bằng phát triển về số lương, chất lượng, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tích cực chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, đẩy mạnh việc thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện thoả ước lao động tập thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên đi đôi với tăng cường quản lý đoàn viên. Sắp xếp, đổi mới tổ chức, phân định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua hành động thiết thực hiệu quả trong CNVCLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương”.
Trong chặng đường lịch sử 76 năm xây dựng và phát triển, phong trào công nhân và Công đoàn Cao Bằng luôn luôn được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể đã khắc phục được mọi khó khăn thử thách, góp phần to lớn vào quá trình đổi mới của đất nước cũng như của tỉnh, hoạt động công đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, tin cậy và là người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của CNVCLĐ. Với những nỗ lực và phấn đấu đó các cấp Công đoàn Cao Bằng đã được Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều cờ và Bằng khen cho CĐCS, Liên đoàn Lao động tỉnh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và đặc biệt năm 2014 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Hằng năm nhiều tập thể, cá nhân trong hệ thống công đoàn Tỉnh cũng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND Tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác
Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh./.

Tác giả bài viết: Bàn Thương - CVP LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,017
  • Tháng hiện tại157,215
  • Tổng lượt truy cập6,182,594
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây