11 điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thứ tư - 25/10/2023 04:28


Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ chính thức được trình lên Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, vào tháng 11 tới. Xin giới thiệu một số nội dung lớn của dự thảo Luật đang được đông đảo người dân rất quan tâm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua. Đó là: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn.
Cụ thể là: (1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; (2) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; (5) Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; (6) Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; (8) Sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; (10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (11) Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Dự thảo Luật quy định: “Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước bảo đảm nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội”.
Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, dự thảo Luật tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Dự thảo Luật bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do Ngân sách nhà nước bảo đảm.
Quy định này giúp gia tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà Ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
>>> Xem thêm:Tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Kinh nghiệm quốc tế của cả Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều thống nhất giải pháp để gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp. Đó là: Quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và Ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc và 40% đến từ quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cụ thể là các nhóm sau: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
 
 
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mới chỉ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất.
Việc sửa đổi quy định này nhằm bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho khoảng 86 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự thảo Luật bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Qua đó, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho khoảng 86 nghìn người ở nhóm này.

Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp thai sản do Ngân sách nhà nước bảo đảm với mức trợ cấp là 2 triệu đồng cho một con.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp thai sản do Ngân sách nhà nước bảo đảm với mức trợ cấp là 2 triệu đồng cho một con.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội”.
Theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.
Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so quy định hiện hành.
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Có thể kể đến như: giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do Ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
 
Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70. Cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm thứ nhất: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Đồ họa: Phùng Trang
Nhóm thứ hai là đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần; chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội".
Bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.
Nghị quyết số 28-NQ/TW xác định: Sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động”.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); trách nhiệm tham gia bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.
 
 
Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 29); đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (Điều 36 và Điều 37).
 
Cụ thể như: Quy định cụ thể 2 hành vi: chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội; Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng; cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự.
 

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tới nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng với 10 chương, 136 điều, tăng 1 chương và 11 điều so Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
 

Tác giả bài viết: Thuỳ Dương - Ban TGNC LĐLĐ tỉnh theo báo Nhân dân điện tử.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay4,223
  • Tháng hiện tại40,738
  • Tổng lượt truy cập6,417,475
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây