Toàn tỉnh hiện có 14 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 13 công đoàn trung ương đóng tại địa phương; 787 công đoàn cơ sở, trong đó khối Nhà nước là 712, khối sản xuất kinh doanh là 75. Có 27.621 đoàn viên công đoàn, trong đó khối hành chính sự nghiệp nhà nước là 24.919; khối sản xuất kinh doanh có 2.702.
Với nội dung đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, ngay từ đầu năm LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp chuyên môn, chính quyền và chủ doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, viên chức; Hội nghị Người lao động và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định 04/NĐ-CP ngày 9/1/2015 và Nghị định 149/NĐ-CP ngày 1/11/2018, trong đó tập trung hướng dẫn các CĐCS phối hợp với lãnh đạo đơn vị ký thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động. Kết quả, tính đến hết ngày 30/6, đã có 710/712 đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, viên chức (đạt 99,7%); có 35/52 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Người lao động (đạt 67,31%). Thông qua Hội nghị, người lao động được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung, sửa đổi vào các nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể, quy chế đối thoại tại nơi làm việc phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; ký mới thỏa thuận hợp tác 1/3 đơn vị (đạt 33,33%); tổ chức đối thoại tại nơi làm việc tại doanh nghiệp 32/52 đơn vị (đạt 64,52%); ký mới thỏa ước lao động tại doanh nghiệp 4/5 đơn vị (đạt 80%).
Ngoài ra, hoạt động tư vấn pháp luật cũng được duy trì thực hiện hiệu quả. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, tổ Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh đã tư vấn cho các doanh nghiệp về nội quy lao động; về giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động; chế độ ốm đau, thôi việc, chế độ nghỉ theo Nghị định 108, các chế độ hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ người lao động theo chính sách của Chính phủ, của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Với nội dung chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động. Qua khảo sát, tỉnh Cao Bằng còn trên 600 đoàn viên, người lao động chưa có nhà hoặc đang ở nhà tam, nhà dột nát. Để CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở LĐLĐ tỉnh đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy tiếp tục duy trì, phát triển Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trong CNVCLĐ; Chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ tiền ăn cho đoàn viên, người lao động trở về từ Bắc Giang, 80.000đ/ngày trong thời gian cách ly tập trung từ nguồn quỹ phòng, chống Covid của Tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng nhất trí.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2021, các cấp công đoàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp mới nhằm ổn định đời sống, việc làm cho CNVCLĐ trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid - 19, qua đó công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động được thực hiện tích cực, hiệu quả và rõ nét hơn, cụ thể:
Các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức, phối hợp với chính quyền tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ đặc biệt là CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đã có 5.156 đoàn viên công đoàn, người lao động được thụ hưởng từ các hoạt động Tết Sum vầy 2021 với số tiền hỗ trợ gần 4 tỷ đồng. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, LĐLĐ tỉnh chủ động thay đổi hình thức tổ chức “Tết sum vầy năm 2021” phân bổ 693 suất quà trị giá 601,5 triệu đồng cho cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) tặng 150 xuất quà trị giá 90 triệu đồng cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 tăng cao và diễn biến phức tạp tinh thần tương thân tương ái và đùm bọc chia sẻ của các cấp công đoàn càng được đẩy mạnh hơn. LĐLĐ tỉnh đã rà soát, tổng hợp và trao 238 xuất quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 và thiên tai năm 2020 với tổng trị giá 238 triệu đồng. Các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đang làm nhiệm vụ tại các trạm kiểm soát dịch bệnh, đoàn viên khó khăn đang bị cách ly và ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 100 triệu đồng và vận động đoàn viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch, hiến máu…hỗ trợ các cơ sở tuyến đầu phòng chống dịch và đoàn viên công đoàn khó khăn phải cách ly số tiền trên 50 triệu đồng. Chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục rà soát số đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc dừng một số bộ phận, tiếp tục nắm tình hình việc làm của đoàn viên, CNVCLĐ để tiếp tục quan tâm chăm lo đến đời sống của người lao động gặp khó khăn do dịch.
Trong tháng Công nhân vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức phát động hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Trong đó, chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ cho công nhân lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; chăm lo cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; chỉ đạo các CĐCS tổ chức thăm hỏi, động viên công nhân lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động... cụ thể, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã phối với với chính quyền thăm, hỗ trợ 113 đoàn viên, công nhân lao động tại các đơn vị với tổng số tiền 69,4 triệu đồng; hỗ trợ 01 nhà mái ấm với tổng trị giá 30.000.000đ; ngoài ra LĐLĐ huyện Bảo Lâm, LĐLĐ huyện Hòa An còn tổ chức đến thăm, động viên các trạm kiểm soát dịch bệnh đang làm nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covd - 19, với số tiền là 06 triệu đồng. Cũng nhân dịp này, LĐLĐ tỉnh đã trao hỗ trợ 06 nhà Mái ấm Công đoàn cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu về nhà ở năm 2021 với tổng trị giá 180 triệu đồng. Ban quản lý Quỹ xã hội họp xét hỗ trợ nhà ở Mái ấm Công đoàn năm 2021 (10 trường hợp). Trong đó có 06 nhà mới, 04 nhà sửa với tổng số tiền 260.000.000đ (trong đó có 02 nhà từ Quỹ Tấm Lòng Vàng hỗ trợ).
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động,6 tháng cuối năm, các cấp công đoàn cần tập trung các giải pháp khắc phục khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng chăm lo đời sống việc làm và thu nhập của CNVCLĐ. Đẩy mạnh phong trào thi đua, nâng cao năng suất lao động, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể:
Phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Duy trì hoạt động tư vấn pháp luật cho CNVCLĐ, nâng cao chất lượng hoạt động, trình độ kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của cán bộ công đoàn các cấp, giúp người lao động tự bảo vệ mình, đồng thời đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đối với các cấp công đoàn.
Vận động CNVCLĐ thực hiện tốt các cuộc vận động lớn đã được phát động trong những năm qua; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện trong CNVCLĐ; tiếp tục chỉ đạo, triển khai việc vận động đóng góp, triển khai hỗ trợ nhà ở từ Quỹ "Mái ấm Công đoàn" năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 cho đoàn viên công đoàn khó khăn về nhà ở. Tiếp tục tổng hợp, nắm tình hình đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, có những giải pháp, biện pháp hỗ trợ kịp thời theo Quyết định số2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị Quyết 68/QĐ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
Có thể khẳng định, từ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo thiết thực đời sống đã giúp đoàn viên, CNVCLĐ an tâm công tác, cống hiến và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới./.