Thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến...”. Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty, Tập đoàn cần xuống tận nơi, động viên NLĐ có sáng kiến, để họ tự hào vì được động viên... Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nhấn mạnh tại cuộc làm việc với CĐ các Tổng công ty, CĐ Tập đoàn trực thuộc Tổng LĐLĐVN ngày 27.4.
Quyết tâm thực hiện Chương trình 1 triệu sáng kiến
Nội dung cuộc làm việc gồm: Thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống CĐ; thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” và Giải thưởng Nguyễn Văn Linh.
Đối với Chương trình 1 triệu sáng kiến, theo số liệu báo cáo của các đơn vị trong cả nước, tổng số lượng chỉ tiêu đăng ký cả nước đạt trên 1 triệu sáng kiến. Trong đó 8 CĐ Tổng công ty và Tập đoàn đăng ký 43.887 sáng kiến, chiếm tỉ lệ gần 4,4% chỉ tiêu cả nước. Có những đơn vị đăng ký vượt chỉ tiêu như CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam nhưng cũng còn những đơn vị trong khối thấp hơn chỉ tiêu định hướng của Tổng LĐLĐVN là 10% so với tổng số đoàn viên, CNVCLĐ của đơn vị mình.
Trao đổi về thực tế thực hiện Chương trình, ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam cho biết, sáng tạo, phát huy sáng kiến, giải pháp là việc làm thường xuyên của các doanh nghiệp để cải tiến rút ngắn quy trình làm việc, thao tác, nâng cao năng suất chất lượng. Nhưng trên thực tế, những NLĐ hoặc đội ngũ kỹ sư kỹ thuật, công nghệ, CNLĐ bảo toàn thực hiện những công việc cải tiến đó như là kỹ năng sáng tạo trong chuyên môn nên không báo cáo; hoặc không ghi chép, xâu chuỗi những hành động, thao thác thực hiện đó thành bản mô tả dưới dạng viết, gây khó khăn khi phải cập nhật sáng kiến/giải pháp. Lao động của ngành Dệt may chủ yếu là lao động phổ thông, thậm chí có cả lao động trình độ tiểu học, trung học cơ sở; do vậy lực lượng lao động phát huy sáng kiến cải tiến chủ yếu là đội ngũ bảo toàn; kỹ thuật. Trong khi đội ngũ này chiếm tỷ lệ nhỏ trong số lao động.
Cũng từ thực tế, CĐ Dầu khí Việt Nam đề xuất do mục tiêu phát động phong trào sáng kiến trong CNVCLĐ góp phần cùng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn do đại dịch nên đề xuất xem xét thủ tục đăng ký cần đơn giản hơn để khuyến khích thật nhiều ý tưởng, sáng tạo trong CNVCLĐ kể các các sáng kiến nhỏ được đăng ký tham gia…
Tạo bứt phá khi thay đổi quan niệm
Một trong những nội dung trao đổi tại buổi làm việc được Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải nhấn mạnh là cần có sự thay đổi về khái niệm sáng kiến, cải tiến. Sáng kiến có giá trị làm lợi cao rất đáng quý nhưng luôn phải coi trọng những cải tiến tăng năng suất lao động, nhất là hiện nay chu kỳ sản phẩm rất ngắn. Phân tích về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải dẫn ra trường hợp 1 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài rất coi trọng công tác sáng kiến cải tiến. Doanh nghiệp này đặt ra yêu cầu làm sao để mọi NLĐ đều có sáng kiến. Để có được điều đó, doanh nghiệp tổ chức đào tạo cơ bản cho tất các khâu trong đơn vi. Đặc biệt, cán bộ CĐ là 1 thành viên quan trọng từ khâu từ đánh giá ý tưởng đến đề xuất khen thưởng.
Đối với Chương trình 1 triệu sáng kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải yêu cầu phát huy được cách làm hay xuất hát từ CĐ Điện lực Việt Nam. Đó là hình thành các tổ hỗ trợ sáng kiến ở cơ sở với những hoạt động hiệu quả gồm: Gợi mở và tiếp nhận ý tưởng; đề xuất triển khai thực hiện; hướng dẫn, kê khai sáng kiến.
Phó Chủ tịch Thường trực cũng nhấn mạnh tới vai trò của Chủ tịch CĐ các CĐ Tổng công ty, CĐ Tập đoàn khi trực tiếp đến động viên NLĐ có sáng kiến, cải tiến; còn đối với cán bộ CĐCS thì tổ chức hướng dẫn kê khai sáng kiến kể cả ngoài giờ… Đây cũng chính là một trong biểu hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ CĐ để mỗi hoạt động đưa ra có sức sống và sự chuyển động.
LINH NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn