Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang và trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước.
Dự đối thoại tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và 60 công nhân lao, động trên toàn tỉnh.
Các đại biểu dự chương trình đối thoại tại điểm cầu Cao Bằng. |
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, xuyên suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn lấy con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển. Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến và thấu hiểu người lao động, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, hướng tới mục tiêu cuối cùng: tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động.
Để chuẩn bị cho chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động. Đến nay, Tổng (LĐLĐ) Việt Nam đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ.
Qua tổng hợp, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu về 10 nhóm vấn đề lớn gồm: tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân, lao động, hạn chế tình trạng công nhân, lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần; vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám, chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân, lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; hạn chế tình trạng công nhân, lao động mắc bẫy "tín dụng đen"; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân, lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành lắng nghe và giải đáp cụ thể gần hàng chục nghìn câu hỏi, kiến nghị, tâm tư về nhóm vấn đề lớn của công nhân, lao động đề đạt đối với người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, thực hiện việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động, tạo điều kiện tốt nhất để công nhân, lao động có việc làm ổn định, đời sống ngày càng nâng cao, tạo cơ hội để công nhân được cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng thông báo tin vui tới toàn thể công nhân, lao động: Theo nguyện vọng của anh chị em công nhân, người lao động, sáng nay (12/6), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện tại.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao 25 suất quà cho công nhân, lao động hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam chính thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+” sau 2 số phát thử nghiệm thành công, nhận được phản hồi tích cực từ công nhân, lao động và công chúng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn