Đồng Tháp - Không chỉ “dội bom” điện thoại, tin nhắn, các đối tượng “tín dụng đen” còn tiếp tục leo thang lừa đảo với nhiều chiêu trò táo tợn.
Dựng chuyện để hăm dọa
Trao đổi với PV Báo Lao Động vào chiều ngày 14.6, ông Phan Hữu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản CADOVIMEX II (Khu Công nghiệp Sa Đéc – TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Sau khi “dội bom” tin nhắn và điện thoại đòi “nợ” không đạt được mục đích, bọn chúng lại dựng lên câu chuyện là bạn của lãnh đạo cao cấp trong công ty để đưa ra lời hăm dọa: Nếu không trả tiền, sẽ nói với vị này đuổi việc. Tuy nhiên, khi thấy chiêu trò này không đe dọa được công nhân lao động, các đối tượng này tiếp tục leo thang các thủ đoạn lừa đảo.
“Lấy hình ảnh, số điện thoại của lãnh đạo và nhân viên quản lý của công ty tạo thành mục kêu gọi hỗ trợ, sau đó đăng lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng mạng đóng góp tiền ủng hộ”, anh Huyền chia sẻ. Thậm chí, trong đó bọn chúng còn tạo ra phát biểu của lãnh đạo mang tính hạ thấp nhân phẩm của nhân viên - người bị gọi là “con nợ” do ham tiêu xài, ăn chơi lười lao động....
“Cách làm này rất tàn độc. Bởi không chỉ gây áp lực lên toàn công ty, mà còn gây tâm lý hoang mang trong lãnh đạo doanh nghiệp”, anh Huyền chia sẻ. Hơn thế nữa, bọn chúng sẵn sàng “tấn công” bất cứ ai có biểu hiện không “chấp hành”.
Khi thấy anh Huyền phản ứng với lối dựng chuyện sai sự thật trong việc dùng hình ảnh, số điện thoại của lãnh đạo công ty để kêu gọi xã hội đóng góp cho công nhân vay nợ, lập tức bọn chúng đưa hình ảnh, số điện thoại của anh Huyền cùng nhiều cán bộ cộng sự trong công ty vào chùm ảnh có nội dung “cảnh báo lừa đảo, trốn nợ”.
Cụ thể, chúng ghi rằng, đây là những đồng nghiệp bao che cho người vay tiền “trốn nợ”.
Có dấu hiệu lừa đảo?
Qua làm việc trực tiếp với những công nhân lao động bị “gọi tên” và theo dõi diễn biến câu chuyện, bước đầu chúng tôi nhận diện đây là hoạt động có tính lừa đảo của nhóm người.
Điển hình như trường hợp công nhân L.M.T (bộ phận cá xẻ bướm, người bị cho là “nợ” 20 triệu đồng). Theo trình bày, năm 2018, L.M.T có vay 30 triệu đồng, mỗi tháng đóng số tiền 1.552.000 đồng vào ngày 20 hàng tháng, trong 24 tháng là đủ. Tuy nhiên, trên thực tế L.M.T đã đóng số tiền 29 triệu đồng, tương đương 25 tháng. Và khoản vay này đã kết thúc hơn 1 năm nay.
Thế nhưng, đến tháng 2.2022, bỗng dưng có người liên lạc, nói L.M.T còn nợ 16,9 triệu đồng và yêu cầu trả nợ.
Vì sợ liên lụy đến người thân, L.M.T đồng ý trả nợ theo gợi ý của nhóm người này theo mức 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là chiêu trò mang dấu hiệu lừa đảo.
“Ngày 28.2.2022, tôi chuyển tiền 2 triệu đồng trả nợ, nhưng đến ngày 4.3.2022, thì nhận điện tin nhắn với chùm hình ảnh cá nhân, chứng minh nhân dân của cá nhân tôi và hình ảnh của nhiều cán bộ lãnh đạo công ty với nội dung khẳng định tôi đang nợ 20 triệu đồng”, anh L.M.T thuật lại.
Bức xúc hơn khi L.M.T liên lạc để làm rõ thì chỉ nhận được câu trả lời vô trách nhiệm: “Không biết. Bên đòi nợ khác với bên thu tiền”.
Nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường và vi phạm pháp luật, anh Huyền thay mặt lãnh đạo công ty báo cáo sự việc và đề nghị Công an TP. Sa Đéc hỗ trợ. Hiện các bộ phận chức năng đã vào cuộc.
NHÓM PV ĐBSCL (BÁO LAO ĐỘNG)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn