Công đoàn ngành Y tế hiện quản lý 44 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, với 3.426 đoàn viên Công đoàn (ĐVCĐ), trong đó nữ là 2.474 đoàn viên (chiếm 72,2%).
Thực hiện sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, hàng năm Công đoàn ngành đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo toàn diện các hoạt động công đoàn tới các CĐCS, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm là công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức, lao động (CBCCVCLĐ); chỉ đạo các CĐCS phát động, tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành và Công đoàn cấp trên, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CBCCVCLĐ; chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị CBCCVC và Hội nghị người Lao động hàng năm...
Đối với các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho ĐVCĐ, nhất là ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Công đoàn quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường niên, là hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Năm 2018, tiếp tục thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên” do Tổng Liên đoàn phát động, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS trực thuộc vận động ĐVCĐ đóng góp các nguồn Quỹ Xã hội, trong đó Quỹ “Mái ấm Công đoàn” được triển khai có hiệu quả, với số tiền đóng góp trên 162 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn các CĐCS rà soát ĐVCĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đủ tiêu chí đề nghị hỗ trợ sửa nhà, xây nhà mới. Để triển khai hoạt động này đạt kết quả tốt, hàng năm Công đoàn ngành đã chỉ đạo CĐCS tiến hành rà soát những ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, để hỗ trợ đúng đối tượng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, việc lựa chọn, khảo sát và thẩm định hồ sơ phải được tiến hành từ chính CĐCS có nhu cầu. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là những ĐVCĐ có điều kiện hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm, nhà tranh vách đất, nhà bị dột nát hoặc bị thiên tai, hoả hoạn hoặc rủi ro khác làm hư hỏng toàn bộ hoặc hư hỏng nặng một phần nhà ở. Người được hỗ trợ phải có thời gian công tác từ 05 năm trở lên và có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Ưu tiên gia đình ĐVCĐ trong một hộ gia đình có nhiều người là ĐVCĐ; là công nhân trực tiếp sản xuất, có nhiều thành tích được khen thưởng; gia đình chính sách nhưng chưa được các tổ chức khác hỗ trợ; bị tai nạn lao động; người có nhiều năm công tác;...). Trong năm 2018, ngành Y tế đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng xét duyệt và hỗ trợ kinh phí sửa nhà và làm nhà mới từ "Quỹ Xã hội" cho 06 ĐVCĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó 03 trường hợp sửa nhà và 03 trường hợp làm nhà mới) với số tiền 150 triệu đồng, góp phần giúp các ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Các CĐCS đã phối hợp với Chính quyền đồng cấp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động, qua đó kịp thời phát hiện những bệnh lý liên quan tới ngành nghề cần phải được điều trị kịp thời. Các cấp công đoàn hỗ trợ trên 36 triệu để thăm hỏi, động viên 20 ĐVCĐ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điển hình như CĐCS Chi Cục Dân số - KHHGĐ, CĐCS BVĐK huyện Phục Hòa, CĐCS Trung tâm Y tế Thành phố… Tại các buổi làm việc với CĐCS và lãnh đạo chuyên môn các đơn vị, Công đoàn ngành luôn lưu ý quan tâm triển khai tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác khám sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp để ĐVCĐ được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội đối với bệnh nghề nghiệp. Được biết, hiện nay Công đoàn Y tế Việt Nam đang tích cực phối hợp cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu và tham mưu, đề xuất bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp; danh mục nghề, công việc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngành y tế (được ban hành từ năm 1996).
Mỗi dịp Tết đến, xuân về hàng năm, Công đoàn ngành chỉ đạo các CĐCS rà soát và hỗ trợ các trường hợp ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018, đã có 18 ĐVCĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thăm hỏi và tặng quà với tổng số tiền 9 triệu đồng (mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng). Tết sum vầy năm 2019, Công đoàn ngành Y tế đã trao 26 suất quà, trị giá trên 18 triệu đồng cho ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 13 suất quà (Mỗi suất quà trị giá 700.000 đồng) được trao cho nữ công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn từ Quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo”; 13 suất quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn từ kinh phí hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân. Đây là hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của tổ chức công đoàn đến các ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng hành cùng Công đoàn ngành còn có Công đoàn ngành Y tế Hải Dương, cũng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, ngày 24/7/2018 Công đoàn ngành Y tế Hải Dương đã lên thăm hỏi và tặng 15 suất quà cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 01 triệu đồng, trong đó có 10 trường hợp là ĐVCĐ thuộc CĐCS Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng và 5 trường hợp là các hộ dân thuộc hộ nghèo tại xã Trường Hà.
Trước những khó khăn về nhà ở của các nhân viên y tế hiện đang công tác tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Công đoàn ngành đã có ý kiến đề xuất và được Công đoàn Y tế Việt Nam quyết định hỗ trợ ngành Y tế Cao Bằng xây dựng một nhà công vụ cho cán bộ Trạm Y tế xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, với diện tích xây dựng trên 74m2, với quy mô xây dựng nhà cấp 4 gồm 3 gian. Kinh phí xây dựng trên 350 triệu đồng, được trích từ Quỹ xã hội Công đoàn Y tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những công trình thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn Y tế Việt Nam lần thứ XIII tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Được biết, Trạm Y tế xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc là xã vùng 3, đường xá đi lại đặc biệt khó khăn, cách Thị trấn bảo Lạc hơn 16km, các nhân viên y tế làm việc tại đây đều không phải là người địa phương trong huyện, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm chỗ ăn, ở và sinh hoạt. Chính quyền xã chưa có điều kiện để xây nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức xa nhà đến công tác tại địa phương. Việc xây dựng nhà công vụ sẽ bảo đảm nơi ở và sinh hoạt cho các viên chức của Trạm Y tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các nhân viên y tế vùng khó khăn yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo cho ĐVCĐ vẫn còn nhiều khó khăn đó là: Nguồn kinh phí dành cho công tác chăm lo cho ĐVCĐ còn hạn hẹp; hoạt động chăm lo cho ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn ở một số CĐCS chưa thực sự được quan tâm; một số ít CĐCS chưa chú trọng công tác tuyên truyền, vận động ĐVCĐ thực hiện các nội dung liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
Để tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hơn công tác chăm lo cho ĐVCĐ, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, Công đoàn ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chuyên môn đồng cấp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo, chỉ đạo CĐCS kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn, tập trung cho hoạt động công đoàn cơ sở, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến.
Hai là, tuyên truyền, vận động ĐVCĐ, CBCCVCLĐ nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động như: thăm hỏi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ ưu tiên, ưu đãi ngành nghề, công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí... Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, phản ánh và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thực hiện chế độ chính sách, giải quyết thỏa đáng những quyền lợi chính đáng của người lao động.
Ba là, đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ cho người lao động y tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Với những kết quả đạt được trong công tác chăm lo cho ĐVCĐ, tổ chức Công đoàn các cấp đã thực sự hướng đến mục tiêu để mỗi ĐVCĐ và cán bộ công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn đều được Công đoàn quan tâm giúp đỡ. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh. Đồng thời cũng chính là mục tiêu mà Đại hội Công đoàn Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 hướng tới, đó là "Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao..." và là một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra "Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động"./.