Đồng chí Phan Đăng Lưu - người cộng sản kiên trung của Đảng

Thứ ba - 03/05/2022 23:21

Cuộc đời đồng chí Phan Đăng Lưu là một tấm gương sáng ngời về ý chí và tinh thần cách mạng; một nhân cách cộng sản mẫu mực; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, anh hùng, bất khuất; cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi; nhà lãnh đạo tài năng, có những đóng góp quan trọng vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam.

 

 
Tượng đài Phan Đăng Lưu ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An).

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành ), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng về sự hiếu học, thông minh, mẫn tiệp hơn người. Tư chất đó giúp cậu học trò họ Phan sớm đến với tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Từ học chữ nho ở trường làng, học trường Pháp-Việt ở Vinh, học lên bậc trung học ở Huế, học trường Canh nông Tuyên Quang, về Vinh tham gia Hội Phục Việt, Phan Đăng Lưu luôn nhận rõ bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của tầng lớp công nhân, nông dân; ngưỡng mộ những nhà yêu nước và cách mạng đáng kính như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc.

Cuối năm 1925, ông được kết nạp vào tổ chức cách mạng Hội Phục Việt ở Vinh. Sau đó về quê ông xây dựng ngay cơ sở cách mạng, xây dựng chi bộ của Việt Nam cách mạng Đảng ( sau đó là Tân Việt Cách mệnh Đảng). Đầu năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Cũng thời gian đó, ông bị giặc Pháp bắt và bị đày lên Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam. 

Giữa năm 1936, sau gần bảy năm bị giam cầm ở Nhà lao Vinh và Nhà tù Buôn Ma Thuột - một trong những nhà tù (nhà đày) khắc nghiệt nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, Phan Đăng Lưu được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Đồng chí nhanh chóng kết nối với các cán bộ Đảng đang hoạt động ở Huế (Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều…) bước đầu củng cố, hình thành Ban lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, Đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Đây là cống hiến đầu tiên của Đồng chí trong công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ. Trong quá trình hoạt động ở Huế, với ưu thế về vốn chữ Nho, chữ Pháp và tầm nhìn, kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng, cùng với quan hệ rộng trong các tầng lớp xã hội, đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần quan trọng cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi, gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

Theo sự phân công của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu là người chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng: không gạt bỏ nghị trường mà lợi dụng nghị trường, không tẩy chay tuyển cử mà tham gia tuyển cử. Trong cuộc đấu tranh này, Đồng chí đã sử dụng linh hoạt diễn đàn đấu tranh công khai qua báo chí và văn học nghệ thuật. Kết quả là cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thắng lợi rực rỡ đến mức tuyệt đối: Tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ quan trọng trong Viện. Đây là thắng lợi thực sự to lớn, vang dội đầu tiên ở nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

Tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã đóng góp tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Phan Đăng Lưu, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, biến Viện Dân biểu thành diễn đàn đấu tranh công khai của Đảng hướng tới các mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ: tập hợp Nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, tăng thêm quyền cho Viện Dân biểu, đòi tự do báo chí, thả tù chính trị, tự do nghiệp đoàn, chống bọn phản động thuộc địa, vạch mặt bọn tham quan ô lại lợi dụng chức quyền bán nước, hại dân…

Cuối năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và bọn tay sai tăng cường áp bức, bóc lột Nhân dân, đàn áp cách mạng nước ta. Tháng 9/1939, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Đồng chí tham gia tích cực vào việc chuyển hướng chiến lược của Đảng. Cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.

Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Khó khăn, thử thách to lớn này đặt lên vai Đồng chí những trọng trách mới, nhất là sau khi đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị địch bắt. Nhiều chỉ thị của Đồng chí, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết        Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng.

Sau khi tạm trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí bí mật bắt tay vào chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ chỉ huy tối cao mới của Đảng. Đây là trọng trách lớn, có ý nghĩa sống còn của Đảng, của cách mạng. Trước khi gặp Xứ ủy Bắc Kỳ để thống nhất, công việc chuẩn bị cho hội nghị do đồng chí Phan Đăng Lưu tự đề ra, tự chuẩn bị và tự móc nối. Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn,  Bắc Ninh. Hội nghị tiến hành cử Ban Chấp hành lâm thời; đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Nghị quyết Hội nghị tiếp tục thực hiện đường lối do Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đã đề ra, tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện.

Ngày 22/11/1940, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì bị mật thám Pháp bắt. Ngày 3/3/1941, đế quốc Pháp mở toà án binh xử một số đồng chí trong đó có ông, ông bị thực dẫn Pháp kết án tử hình. Ông bị bắn ngày 28/8/1941 tại Hooc Môn - Gia Định.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.

Hiện tên của đồng chí Phan Đăng Lưu được đặt cho nhiều địa danh trên cả nước: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Yên.


P.V (T/h)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay3,508
  • Tháng hiện tại108,870
  • Tổng lượt truy cập6,327,814
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây