Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động

Thứ năm - 15/09/2022 04:23
Tiến tới xây dựng môi trường an ninh, an toàn cho công nhân trước nạn “tín dụng đen”, cả cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trong đó nổi bật vai trò của tổ chức Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những chỉ đạo “sát sườn” để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, bảo vệ cán bộ công đoàn và giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất, công tác.
Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động

Cần tạo nguồn vốn vay an toàn với thủ tục gọn, nhẹ cho công nhân lao động vay để phòng, chống "tín dụng đen".
Ảnh: NAM DƯƠNG.

Nhức nhối vấn nạn “tín dụng đen”

Hiện nay, lực lượng lao động trên cả nước từ 15 tuổi trở lên là gần 51 triệu người, trong đó có hơn 24 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong số này có hơn 14 triệu công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, chiếm khoảng 17% tổng lực lượng lao động của cả nước. Mỗi năm lực lượng này tạo ra khối lượng của cải lớn cho xã hội.

Thế nhưng bên cạnh muôn vàn nỗi lo lắng, khó khăn về việc làm, thu nhập, nhà ở, chăm sóc y tế, xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, thời gian cho vui chơi, giải trí và việc vi phạm pháp luật của giới chủ thì công nhân đang đối mặt với sự tấn công của tội phạm ở mức báo động. Nóng bỏng nhất thời gian qua là câu chuyện “tín dụng đen” bủa vây đời sống công nhân.

Số liệu khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2021 cho thấy, có đến 53,2% công nhân lao động đã từng vay tiền ít nhất một lần. Trong đó có nhiều người vay với mức lãi suất từ 1.000 đến 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày trong điều kiện phải lựa chọn khoản vay kéo dài tối thiểu từ 1 đến trên 2 năm và từ 5.000, 10.000, 15.000 đồng/1 triệu/1 ngày trở lên đối với thời gian vay ngắn

Cũng theo khảo sát, 78,5% công nhân lao động vay “tín dụng đen” chủ yếu để trang trải cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Một bộ phận lại tìm đến “tín dụng đen” để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp, hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại không muốn người khác biết bản thân cần vay tiền, ngại tiếp xúc với ngân hàng... Đó chính là điểm phát sinh của “cầu”, dẫn tới “thị trường béo bở” để các tổ chức “tín dụng đen” hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, quảng cáo công khai, rộng rãi.

Đặc biệt, xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến (online) với nhiều quy định biến tướng về lãi suất. Các ứng dụng này thu thập toàn bộ hình ảnh, thông tin cá nhân, danh bạ của người vay; sau đó gây sức ép đối với người vay tiền và những người có tên trong danh bạ của người vay bằng các thủ đoạn như: gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, đe dọa, cắt ghép hình ảnh để xúc phạm, bôi nhọ, đăng lên mạng xã hội.

Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động
Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động.

Giúp công nhân tránh bẫy “tín dụng đen”

Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, bảo vệ cán bộ công đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những chỉ đạo “sát sườn” đối với công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động.

Các cấp công đoàn chủ động phối hợp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động; trong đó tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động.

Với những công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động, ở những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, công đoàn cần phối hợp với chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.

Công đoàn các cấp tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn như trao “Mái ấm công đoàn”, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý.

Trên cơ sở những thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Tổng Liên đoàn với Tập đoàn BRG, Ngân hàng SeABank, Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam và các đối tác khác, các cấp công đoàn chủ động phối hợp triển khai ở địa phương, đơn vị, kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ phù hợp với công nhân lao động, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho họ.

Đồng thời, các cấp công đoàn phổ biến rộng rãi tới công nhân lao động về gói vay 20.000 tỷ đồng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động. Các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay giúp công nhân lao động, để họ không phải tìm đến “tín dụng đen”; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, từ đó có biện pháp bảo vệ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, ngăn ngừa tội phạm manh động, không để chúng thâm nhập công nhân lao động.

Chủ động triển khai công tác phối hợp phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm “tín dụng đen” với công an địa phương (từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để có giải pháp cụ thể trong việc công đoàn tham gia phòng, chống tội phạm và được bảo vệ khi có nguy cơ bị tội phạm tấn công. Cán bộ công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với công an địa phương để được phối hợp, hỗ trợ kịp thời.

Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động

Cán bộ khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trao đổi với công nhân Công Ty TNHH MTV Moon Chang Vina (Quảng Nam) về đời sống việc làm và "tín dụng đen" trong công nhân lao động. Ảnh: Viện CNCĐ.

Các cấp công đoàn sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động; chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những người đang thực sự khó khăn về tài chính. Trường hợp có công nhân lao động gặp khó khăn đột xuất, công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân lao động vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp. Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.

Nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân

Tiến tới xây dựng môi trường an ninh, an toàn cho công nhân trước nạn “tín dụng đen”, cả cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trong đó nổi bật vai trò của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, để đẩy lùi “tín dụng đen” thì cần có sự chung tay, góp sức tích cực và trách nhiệm của từng đoàn viên, công nhân lao động.

Theo đó, đoàn viên, công nhân lao động cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động trong phòng ngừa, không tiếp tay hoặc để các đối tượng cho vay lãi nặng lợi dụng hoạt động; mạnh dạn lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, giúp lực lượng Công an đấu tranh, xử lý hiệu quả với tội phạm và các vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Thực tế, công nhân hướng dẫn nhau phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” rất hiệu quả. Đơn cử như trên nhóm mạng xã hội (facebook) “Công nhân có gì vui?” của công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) chia sẻ cách thức xử trí khi bị “tín dụng đen” đe dọa.

Trước hết, người bị làm phiền cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app. Khi nói chuyện với nhân viên của các app, người bị làm phiền cần yêu cầu cung cấp thông tin của app, các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ. Khi phía app không đáp ứng được yêu cầu, hãy đề nghị không được phép làm phiền.

Nếu phía app vẫn tiếp tục gọi điện thậm chí có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay đăng thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) thì cần bình tĩnh vì không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Bài viết lưu ý, công nhân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống... Khi nghe các cuộc điện thoại đòi nợ, hãy bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng cung cấp cho cơ quan chức năng và cài đặt chế độ chặn cuộc gọi, tin nhắn làm phiền bằng các ứng dụng sẵn có trên điện thoại cá nhân. Người bị khủng bố điện thoại có thể gửi đơn tố cáo tội phạm đến công an cấp xã. Khi thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay2,182
  • Tháng hiện tại91,881
  • Tổng lượt truy cập6,468,618
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây