Hiện nay, một bộ phận người lao động (NLĐ) lựa chọn hưởng BHXH một lần. Đây là lựa chọn khiến NLĐ chịu thiệt thòi, nên NLĐ cần cân nhắc khi quyết định. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều, cụ thể như sau:
Thứ nhất. Mất đi cơ hội hưởng lương hưu – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già: Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH, dẫn tới mất đi cơ hội được hưởng lương hưu; ảnh hưởng đến việc đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già. Xin nhấn mạnh, mức lương hưu được hưởng không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà lương hưu định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị, qua đó giúp ổn định cuộc sống.
Tính từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; theo đó, mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hiện nay đã tăng khoảng 21,5 lần so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH tại thời điểm trước năm 1995. Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là tăng 7,4% từ ngày 01/01/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Thứ hai. Khi nhận BHXH một lần, NLĐ mất cơ hội được nhận thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động: Người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT do cơ quan BHXH đảm bảo từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình, con cháu của họ.
Thứ ba. Số tiền nhận được ít hơn so với số tiền đóng vào Quỹ BHXH:
Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Thứ tư. Thân nhân mất cơ hội nhận trợ cấp mai táng và chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân sẽ được hưởng đầy đủ chế độ tử tuất, bao gồm:
- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết (hiện này là 14.900.000 đồng).
- Trợ cấp tuất hàng tháng: Thân nhân người hưởng lương hưu được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng khi thuộc các trường hợp quy định (tại khoản 2 Điều 67 Luật BHXH năm 2014).
Đặc biệt, một người hưởng lương hưu chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tối đa là 04 người.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
- Trợ cấp tuất một lần (trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng):
+ Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì được hưởng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng (khi đó NLĐ đã được hưởng lương hưu trên 7 năm).
Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu và ngay cả khi chết thì thân nhân của họ cũng được hưởng chế độ tử tuất với quyền lợi cao.
+ Riêng đối với NLĐ đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà bị chết thì thân nhân cũng được hưởng chế độ tử tuất (hằng tháng hoặc một lần). Mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trường hợp NLĐ đã đóng BHXH bắt buộc đủ 12 tháng thì thân nhân còn được hưởng tiền trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ chết.
Thứ năm. Không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước tổ chức, thực hiện và bảo hộ.
Qua quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH từ trước đến nay, có nhiều người đã hưởng chế độ BHXH một lần từ rất lâu rồi, khi về già muốn nộp lại khoản tiền trợ cấp BHXH một lần đã nhận để tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định.
Một công dân tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu, thì khi về già quyền lợi được hưởng rất lớn. Nếu gia đình nào đã có ông, bà, bố, mẹ được hưởng lương hưu sẽ thấy lương hưu quan trọng như thế nào trong cuộc sống của người già, không chỉ hưởng tiền hàng tháng mà còn được chăm sóc sức khỏe trọn đời điều đó được minh chứng rõ nét trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống đặc biệt là trong hai năm qua khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, người dân phải đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống khi không có thu nhập, bị ốm đau bệnh tật, sức khỏe giảm sút thì khoản tiền lương hưu hàng tháng và quyền lợi về BHYT thực sự là cứu cánh cho họ.
Vì vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần NLĐ hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động nhất là trong thời gian tới đây NLĐ dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho NLĐ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài.