Ngày 25/4/2024 Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 16/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thu kinh phí công đoàn (Chỉ thị số 06/CT-UBND). Dự hội nghị có đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đ/c Triệu Văn Thực, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh. Tham dự có các đồng chí Ủy viên BCH, ủy viên UBKT LĐLĐ tỉnh, các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh, các CĐCS trong doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ thành phố.
Đồng chí Lý Thị Huệ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Hằng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) tới các cấp công đoàn, đồng thời có những giải pháp kịp thời trong việc thu KPCĐ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch thu kinh phí công đoàn của đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở, thực hiện thu kinh phí gắn với việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn tại các đơn vị này, qua đó việc thu KPCĐ đã đạt được một số kết quả nhất định: Việc thu KPCĐ đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp ổn định, các nội dung chi bám sát dự toán giao, đảm bảo chế độ, định mức quy định; việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn 2% khối các đơn vị sản xuất kinh doanh qua tài khoản chung gian của Công đoàn Việt Nam, tăng cường hiệu quả quản lý tài chính và làm giảm thất thu tài chính công đoàn.
Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác thu kinh phí còn gặp một số khó khăn, hạn chế, việc thu kinh phí công đoàn các đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt kết quả chưa cao, các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn đa số không thực hiện việc trích nộp KPCĐ theo quy định của pháp luật (đến nay có khoảng 10 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn trích nộp KPCĐ); bên cạnh đó, một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tổ chức công đoàn, một số doanh nghiệp còn né tránh, từ chối không tiếp cận với cán bộ công đoàn; một số doanh nghiệp thực hiện đóng KPCĐ không đúng theo tỷ lệ quy định, đóng chậm và nợ KPCĐ. Do vậy tỷ lệ thất thu kinh phí công đoàn khối sản xuất kinh doanh còn cao, chưa thu triệt để nguồn kinh phí công đoàn (từ năm 2019 đến quý I/2024 thất thu trên 48 tỷ đồng), với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đa số là các doanh nghiệp quy mô sản suất nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp gia đình, sử dụng ít lao động, lao động thay đổi thường xuyên, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, chờ giải thể; việc xử phạt của các cơ quan quản lý Nhà nước về thu kinh phí công đoàn theo Điều 38 quy định vi phạm về đóng kinh phí công đoàn tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 về quy định xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa được quan tâm thực hiện; trình độ, năng lực của một số cán bộ công đoàn còn hạn chế trong việc thực hiện, hướng dẫn công tác tài chính công đoàn. Một số đơn vị chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự tạo điều kiện của chính quyền đồng cấp; công tác tuyên truyền, vận động của các cấp công đoàn đối với các đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn về trích nộp kinh phí chưa kịp thời, chưa sâu sát, nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận với các văn bản liên quan tới quyền và nghĩa vụ khi tham gia tổ chức Công đoàn; công đoàn chưa kịp thời, chưa mạnh dạn đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm về đóng kinh phí công đoàn.
Toàn cảnh hội nghị.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kết hợp với công tác vận động, người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về thu, chi; trích, nộp kinh phí công đoàn. Rà soát để đánh giá, phân loại theo nhóm đơn vị doanh nghiệp để có hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động phù hợp; rà soát, thống kê lập hồ sơ theo dõi các đơn vị doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn theo Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP và Chỉ thị số 06/CT-UBND; lập danh sách theo dõi nợ tồn đọng từng đơn vị qua các năm, đối chiếu nợ, theo dõi nợ, phát hành thông báo và công văn đòi nợ kinh phí công đoàn (theo tháng, quý, năm duy trì thường xuyên tạo thành thói quen trong nhận thức làm thay đổi hành vi của người thực hiện) một cách có hệ thống và thất thoát nguồn thu kinh phí của tổ chức công đoàn; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát chống thất thu và thu hồi nợ kinh phí công đoàn; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng có hiệu quả, thực hiện xử lý nợ theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật; các cấp Công đoàn thực hiện đúng, đủ và kịp thời các quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác quản lý tài chính, tài sản, giải đáp kịp thời, thỏa đáng những thắc mắc, đề xuất, kiến nghị về công tác quản lý tài chính, tài sản và chế độ kế toán công đoàn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện việc thu kinh phí công đoàn theo Điều 4, Nghị định 191/2013/NĐ-CP, Chỉ thị số 06-CT/TW theo từng giai đoạn; biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành tốt các quy định về trích nộp kinh phí công đoàn, quản lý tài chính, tài sản công đoàn.