Sáng 14.12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 10 điểm cầu trên toàn quốc (trong đó LĐLĐ tỉnh Cao Bằng đại diện cho các tỉnh phía Bắc tham dự Toạ đàm). Đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chủ trì tọa đàm.
Tại điểm cầu Cao Bằng đồng chí Trần Công Huân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh tham dự Hội nghị.
LĐLĐ tỉnh Cao Bằng dự buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh: trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân chủ xã hội tiếp tục được mở rộng, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 2023-2028” tiếp tục được xác định là một chuyên đề quan trọng để triển khai các khâu đột phá của nhiệm kỳ. Để Chương trình được xây dựng bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028. Mục đích nhằm tập trung trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn các cấp trong triển khai nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ mới.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tại tọa đàm, với kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Công đoàn cơ sở đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khoa học. Tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra với công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới; góp ý cho Dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”.
Trong đó, nổi bật là bổ sung các giải pháp như: đẩy mạnh truyền thông đồng bộ ở tất cả các cấp công đoàn; làm rõ hơn đối tượng truyền thông (đối tượng trực tiếp, đối tượng liên quan…); cần có thiết chế, nguồn lực, chuyên viên phụ trách truyền thông để đẩy mạnh truyền thông tại công đoàn cơ sở; thêm các thông tin chỉ dẫn, hướng dẫn… tại các app của công đoàn.
Truyền thông đa dạng các nội dung về các hoạt động của tổ chức, đặc biệt tập trung chia sẻ những chính sách, cơ chế liên quan trực tiếp đền lợi ích, quyền lợi của người lao động; ưu tiên truyền thông theo tình hình thực tế tại địa phương, có thể bằng các kênh truyền thống (dán poster, radio, áp phích…) hay công nghệ số (facebook, zalo, tiktok…); tăng cường chia sẻ thông tin, sản phẩm truyền thông dùng chung trong các cấp công đoàn; các mục tiêu trong Dự thảo cần rõ ràng về định lượng, giải pháp cụ thể…
Chuyên gia phát biểu tham luận tại tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học các cấp công đoàn cơ sở đã có những kiến nghị, góp ý thiết thực vào dự thảo. Đặc biệt, những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện truyền thông tại các cấp công đoàn cơ sở đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp trực tiếp, giúp công đoàn cơ sở khắc phục, đẩy mạnh truyền thông giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại tòa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh: truyền thông trong bối cảnh mới là truyền thông đa phương tiện và tùy thuộc điều kiện thực tế từng địa phương để lựa chọn phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả tối đa. Truyền thông cần truyền tải những nội dung tích cực (chính sách, chế độ, học tập, giải trí…) đến với đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ). Bên cạnh đó, để đẩy mạnh truyền thông tới 11 triệu đoàn viên công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phát triển nền tảng số của Công đoàn để cung cấp các nội dung về hoạt động Công đoàn, nội dung NLĐ quan tâm (chế độ, chính sách, tiền lương,…). Đồng thời, đây cũng là công cụ tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng NLĐ trực tiếp để phân tích, phân loại và có giải pháp kịp thời. Sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trong hỗ trợ tư vấn pháp luật để giải đáp nhanh chóng, chính xác, đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu của NLĐ, giám áp lực cho các cấp Công đoàn địa phương. Cùng với đó, chú trọng đào tạo kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn thông qua các khóa học online, nền tảng đào tạo trực tuyến…
Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân đánh giá cao những chia sẻ, góp ý thiết thực của các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp công đoàn cơ sở vào Dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện sớm nhất dự thảo để trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thông qua, sớm ban hành Chương trình để các cấp Công đoàn triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất./.