Toàn tỉnh hiện có 1.650 doanh nghiệp và 356 hợp tác xã, trong đó mới có 113 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn với 5.939 đoàn viên (30 đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn với 3.184 đoàn viên, 83 công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn tỉnh Cao Bằng với 2.755 đoàn viên) và 10 đơn vị chưa có tổ chức công đoàn thực hiện việc trích nộp kinh phí theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ; còn 174 doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn với tổng số 1.733 lao động.
Do đó, công tác phát triển đoàn viên luôn là nhiệm vụ được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện hàng năm và đạt được những kết quả đáng kể. Ngay trong những tháng đầu năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị 06/CT-TU ngày 15/4/2021 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc củng cố và phát triển tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Chỉ thị đã đánh giá khái quát, toàn diện về những kết quả đạt được của tổ chức công đoàn tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân cũng như đưa ra 06 giải pháp để tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp trong thời gian tới.
2 tháng sau, cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng hết sức vui, mừng phấn khởi đón nhận Nghị quyết 02/NQ-TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, đây là Nghị quyết đầu tiên, chuyên đề của Bộ Chính trị về tổ chức công đoàn trong những năm đổi mới, nhất là trong thời điểm hiện nay. Chỉ thị 06/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành đã thể hiện được tương đối đầy đủ, rõ nét về quan điểm xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn theo Nghị quyết 02/NQ-TW đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng Đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh.
2. Ngay sau khi Chỉ thị 06/CT-TW được ban hành, Đảng Đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị, trong đó cụ thể hoá những nội dung của Chỉ thị vào Chương trình, Kế hoạch công tác hàng năm, kế hoạch hoạt động chuyên đề của LĐLĐ tỉnh trong các cấp công đoàn, xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động công đoàn năm 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời định hướng tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 06-CT/TU, Nghị Quyết 02-NQ/TW và Kế hoạch thực hiện của LĐLĐ tỉnh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực kỷ niệm 92 năm ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2021).
3. Đảng Đoàn LĐLĐ tỉnh đã thành lập các Đoàn công tác làm việc với Thường trực các Huyện uỷ, Thành uỷ để bàn thực hiện các giải pháp thực hiện Chỉ thị 06 trong đó tập trung nhiệm vụ, phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, thu kinh phí công đoàn theo Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ.
4. LĐLĐ tỉnh Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các nội dung liên quan người lao động như: về việc ký kết hợp đồng lao động, tuân thủ nội quy lao động, tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, trích nộp kinh phí công đoàn, thành lập tổ chức công đoàn tại đơn vị… kết hợp với việc nắm bắt tình hình công nhân lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Qua đó, nắm chắc số doanh nghiệp đủ điều kiện làm cơ sở tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn.
5. Đề xuất với Hội đồng nhân dân tỉnh nội dung giám sát năm 2022 với nội dung: Việc chấp hành các quy định về pháp luật lao động có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như: Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật an toàn vệ sinh lao động hiện nay chỉ có 849 đơn vị với 8.654 lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Còn Có 86 doanh nghiệp còn nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 11,5 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
6. Thành lập các Tổ công tác của LĐLĐ tỉnh chủ động gặp gỡ, tiếp xúc, vận động chủ doanh nghiệp thông báo về chủ trương, đường lối của Đảng và quy định về pháp luật lao động, về việc thành lập tổ chức công đoàn, giúp người sử dụng lao động thấy được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, tạo sự đồng tình ủng hộ và điều kiện thuận lợi của các chủ doanh nghiệp đối với hoạt động của công đoàn.
7. Chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền trong công nhân, lao động về tổ chức công đoàn, về pháp luật lao động và các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của người lao động. Hướng dẫn cho người lao động về việc ký kết hợp đồng lao động, tránh vi phạm pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; công khai các quyền lợi, mà công đoàn đã thương lượng được cho người lao động thông qua việc ký kết thoả ước lao động tập thể; phát động thi đua trong lao động sản xuất; quan tâm, giúp đỡ đoàn viên gặp tai nạn, khó khăn đột xuất, hỗ trợ nhà “Mái ấm công đoàn” cho những gia đình đoàn viên nghèo; đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao lành mạnh trong công nhân lao động.. những hoạt động đó đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nâng cao được thu nhập cho người lao động. Qua đó, người lao động sẽ tin tưởng và tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn, vị thế và vai trò của công đoàn tại các doanh nghiệp được khẳng định.
Kết quả từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã kết nạp mới 370 đoàn viên, thành lập mới 25 công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, đạt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, công tác phát triển đoàn viên còn gặp những khó khăn, hạn chế đó là: công tác vận động thành lập công đoàn cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; thu kinh phí doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn chưa đảm bảo quy định pháp luật; chất lượng hoạt động, đánh giá phân loại hoạt động công đoàn cơ sở một số đơn vị chưa đúng thực chất.
Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm chủ yếu là do các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động sản xuất theo thời vụ nên số lao động biến động rất lớn, rất khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn; một số chủ doanh nghiệp chưa hiểu đúng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nên cố tình né tránh hoặc không ủng hộ cho công đoàn tiếp cận vận động tuyên truyền người lao động; nhận thức của ban chấp hành, ban thường vụ một số công đoàn cấp trên cơ sở trong công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp chưa đầy đủ nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; công tác phối hợp giữa tổ chức công đoàn với chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, nhiệm vụ chuyên môn nhiều, thời gian dành để hoạt động công đoàn còn chưa thoả đáng.
Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác phát triển tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, hợp tác xã theo tinh thần “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, người bạn đồng hành của doanh nghiệp; góp phần đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động và đồng hành để doanh nghiệp phát triển bền vững. Để đảm bảo mục tiêu đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung vào thực hiện nhiệm vụ sau:
1. Chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chủ động phối hợp với chính quyền trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU và Nghị quyết 02-NQ/TW; tranh thủ sự chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người lao động, người sử dụng lao động về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động... nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp, đồng bộ để phát triển đoàn viên, thành lập, củng cố và nâng cao chất lượng của tổ chức công đoàn ở cơ sở.
2. Đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn gắn với chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, trong đó cần đổi mới cách tiếp cận, nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Những doanh nghiệp nào hoạt động ổn định nếu chưa có tổ chức Công đoàn thì thông tin, tuyên tuyền đề nghị trích nộp kinh phí Công đoàn theo quy định tại Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Lấy địa bàn thành phố và một số huyện có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm để phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn.
3. Khi đã thành lập được công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở hoạt động, tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. đây là vấn đề rất quan trọng vì tổ chức công đoàn có hoạt động tốt theo chức năng, nhiệm vụ thì mới thu hút được đông đảo người lao động gia nhập công đoàn (nếu họ chưa là đoàn viên) và người sử dụng lao động cũng thấy được lợi ích thiết thực khi có tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp họ sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.
4. Tập trung bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn; bố trí cán bộ công đoàn có kinh nghiệm trong thuyết phục, tuyên truyền, đàm phán, hiểu biết sâu sắc về người lao động và nghiệp vụ công đoàn thực hiện vận động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
5. Tăng cường triển khai các chương trình phúc lợi từ các đối tác ký kết với tổ chức công đoàn nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, tạo sự khác biệt giữa đoàn viên công đoàn và người lao động chưa là đoàn viên, từ đó thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn.
Có thể khẳng định việc củng cố, thành lập tổ chức Công đoàn và phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tổ chức công đoàn hoạt động có hiệu quả sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn là vi phạm bản quyền