Kiến nghị có cơ chế đặc thù để hỗ trợ giáo viên miền núi

Chủ nhật - 27/02/2022 19:47

Tại tỉnh Kon Tum, dù ngành Giáo dục đang thiếu hàng nghìn chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn diễn ra thực trạng giáo viên đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc, khiến người dân lo ngại về chất lượng giáo dục đào tạo.
 

 

Giờ lên lớp của giáo viên tiểu học huyện Kon Plông (Kon Tum) - ảnh chụp thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh T.T

Thiếu giáo viên nghiêm trọng

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, năm học mới 2021-2022, tỉnh còn thiếu hơn 1.200 giáo viên và gần 500 nhân viên cho các cấp từ giáo dục Mầm non cho đến giáo dục Trung học phổ thông.

Qua thống kê, rà soát của ngành Giáo dục, cấp Mầm non thiếu 590 giáo viên, cấp Tiểu học thiếu 426, cấp Trung học cơ sở thiếu 180 giáo viên, cấp THPT thiếu 5 giáo viên. Trong đó, nguồn tuyển cấp giáo viên Mầm non và Tiểu học phải đạt chuẩn đào tạo, nhất là bộ môn Tiếng Anh ở các địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa. 

UBND tỉnh Kon Tum đang đề xuất ra Bộ Nội vụ để xin thêm chỉ tiêu biên chế đối với giáo viên đứng lớp nhằm đáp ứng tốt hơn công tác dạy học trên địa bàn. Tuy nhiên, trong khi chưa có chỉ tiêu tuyển dụng thì 2 năm trở lại đây, khi các xã lên nông thôn mới, nhiều giáo viên “cắm bản” đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc, nhiều nhất ở huyện Kon Plông.  

Chờ tuyển dụng đến bao giờ!

Ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông - cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 12 đơn thư của giáo viên về việc xin nghỉ dạy. Bước đầu đã đồng ý cho thôi việc 10 giáo viên. Trong bối cảnh thiếu giáo viên đứng lớp, việc cho thôi việc cùng lúc 10 giáo viên là số lượng tương đối lớn đối với ngành Giáo dục huyện.

Các giáo viên chủ yếu công tác ở xã Pờ Ê, thị trấn Măng Đen, 2 địa phương vừa mới được UBND tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Cường, trong đơn thư các giáo viên nêu ra nhiều lý do xin nghỉ việc như lập gia đình ở xa, nhà có bố mẹ già, con nhỏ phải chăm sóc nuôi dưỡng. Số giáo viên khác có lý do sức khỏe không đảm bảo, trong khi địa bàn miền núi, đi dạy học xa nhà…  Nhưng nguyên nhân chính là do bị ngắt chế độ trợ cấp khi… xã đạt chuẩn nông thôn mới.  

Được biết, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, các giáo viên vùng sâu vùng xa bị ngắt nhiều chế độ trợ cấp xăng xe, sinh hoạt, giảm 1/2 lương. Mức lương thấp, không đủ lo toan các chi phí sinh hoạt cho gia đình, trong khi hằng ngày đứng lớp nơi xa xôi, điều kiện ăn ở, đi lại thiếu thốn, các giáo viên buộc lòng phải nghỉ việc.  

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum - cho biết: “Về việc giáo viên xin nghỉ dạy, đơn vị đã tổng hợp các khó khăn này để kiến nghị ra Trung ương, để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách cho phù hợp, có hướng tiếp cận mới, có cơ chế đặc thù để hỗ trợ nâng cao đời sống người giáo viên miền núi”.

Tại tỉnh Gia Lai, năm học 2021-2022 hiện đang thiếu gần 4.000 giáo viên đứng lớp. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 1.637, tiểu học thiếu 986, THCS thiếu 726 và THPT thiếu 372 chỉ tiêu. Thầy giáo dạy Toán có thể dạy kèm thêm môn Tin học, giảng viên Cao đẳng sư phạm, giáo viên bậc THPT xuống dạy cho học sinh cấp I, cấp II. Việc thiếu giáo viên khiến phụ huynh lo ngại về chất lượng giáo dục bị tụt giảm.

 THANH TUẤN (báo lao động)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay3,111
  • Tháng hiện tại92,810
  • Tổng lượt truy cập6,469,547
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây