Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng"

Thứ năm - 21/04/2022 05:37
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng"

Trên cơ sở Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì họp với các bộ, ngành về vấn đề này. 

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng'
Người lao động mong chờ sớm được tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Ngày 20.4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về tình hình, giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp.

Tại hội nghị, theo báo cáo của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), quý I/2022, số lao động có việc làm của cả nước là 50 triệu người, tăng 133,2 nghìn người so với cùng kỳ. Dự kiến năm 2022 nhu cầu tuyển dụng lao động của cả nước là 1.253.064 lao động từ gần 47 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm 2021, trong đó doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu cần tuyển dụng 80%, tập trung nhất là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo.

Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, có nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt lao động, đó là: Sau Tết, một bộ phận người lao động trở về quê đón Tết và tránh dịch COVID-19, đã tìm được việc làm mới với mức thu nhập khá hấp dẫn, được làm việc gần gia đình. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Giá cả các mặt hàng tăng cao, mức lương của người lao động không đủ trang trải chi phí cuộc sống, nên không dám trở lại thành phố lớn, khu công nghiệp. Lương và chế độ phúc lợi ở nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử… hầu hết còn thấp, nhưng yêu cầu công việc, thời giờ làm việc quá cao nên một bộ phận người lao động phải tìm việc làm mới linh hoạt, có thu nhập tốt hơn. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp, một bộ phận người lao động là F0, F1…

“Việc người lao động khó khăn về thu nhập, nhà ở, cho học hành của con cái là một trong những nguyên nhân rất chủ yếu của tình trạng người lao động chuyển từ khu vực lao động chính thức sang khu vực phi chính thức, không trở lại doanh nghiệp cũ” - ông Hiểu nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đề xuất 4 giải pháp: Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; tổ chức kết nối cung - cầu lao động.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là vấn đề lớn, vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Trước mắt, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả thực hiện Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nắm bắt, đánh giá đầy đủ tình hình khó khăn của người lao động, phối hợp với các địa phương hỗ trợ người lao động thực sự khó khăn, giúp họ yên tâm lao động sản xuất; khẩn trương trình Chính phủ ban hành dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng. 

Về dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư, tránh việc tập trung các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở một số địa phương, tạo áp lực về hạ tầng xã hội; Bộ LĐTBXH triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng mạnh vào việc mở mới, đào tạo các ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, thiết kế các quy định khoa học, chặt chẽ, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.
                                                                                                                                 HÀ ANH (BÁO LAO ĐỘNG)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay2,007
  • Tháng hiện tại126,989
  • Tổng lượt truy cập6,345,933
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây