Luật BHXH năm 2024 quy định riêng 01 chương tại Luật BHXH năm 2024 về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHTN; bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH và các cơ quan có liên quan trong việc xác định và theo dõi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc. Qua đó góp phần tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Về xác định đối tượng tham gia BHXH
Tại Điều 30 Luật BHXH năm 2024 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan BHXH và các bộ, ngành, địa phương trong xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời quy định các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người tham gia và người thuộc diện tham gia BHXH với cơ quan BHXH theo quy định của Chính phủ.
Về đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, BHTN
Cơ quan BHXH phải thực hiện (i) đôn đốc bằng văn bản; (ii) công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan BHXH về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; (iii) Gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN đến cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN
Luật BHXH năm 2024 (Điều 38, 39, 40, 41) đã làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHTN, cụ thể:
(1) Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN là hành vi của người sử dụng lao động: (i) Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH, BHTN chậm nhất, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật này; (ii) Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định; (iii) Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này (có lý do chính đáng).
(2) Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHTN cho người lao động:
(i) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN;
(ii) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, BHTN thấp hơn quy định;
(iii) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất, BHTN chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
(iv) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định của Chính phủ.
(3) Quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHTN: bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn áp dụng biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại Luật BHXH đã giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 39 về trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN và quy định các trường hợp thuộc trốn đóng nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng. Đồng thời quy định chuyển tiếp đối với số tiền BHXH bắt buộc, BHTN mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng theo quy định của Luật số 58/2014/QH13, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025 mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ thì được xử lý theo quy định về chậm đóng, trốn đóng của Luật năm 2024.