Ngày 21.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát - thực trạng và giải pháp.
Hội thảo Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát - thực trạng và giải pháp do Tổng LĐLĐVN tổ chức. Ảnh: Bảo Hân
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, quy định hiện hành chưa hoàn toàn thống nhất trong việc ghi nhận quyền giám sát của tổ chức Công đoàn trên phương diện là một “quyền tham gia” (phối hợp, bị động), hay là “quyền độc lập” (chủ động).
Theo ông Quảng, đối với tổ chức Công đoàn, yêu cầu “nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội” góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ-TW này 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đặt ra những đòi hỏi khoa học về việc nghiên cứu kỹ hơn tư cách quyền của tổ chức Công đoàn. “Liệu hoạt động giám sát nên là một “quyền tham gia” hay nên là một “quyền độc lập”. Trên thực tế, ghi nhận ở mức độ nào sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng phát huy những năng lực vốn có trên phương diện là một chủ thể kiểm soát quyền lực Nhà nước” - ông Quảng gợi mở.
Tại hội thảo, từ cơ sở lý luận và thực tiễn, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về thực trạng và kiến nghị đối với các nội dung: Vai trò của tổ chức Công đoàn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; phương thức, nội dung giám sát của tổ chức Công đoàn; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên của tổ chức Công đoàn; nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của tổ chức Công đoàn; Công đoàn phối hợp giám sát với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc; Công đoàn chủ động giám sát với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; cơ chế đảm bảo quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn.