Điều 4 Nghị định 191-NĐ/CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn quy định đối tượng đóng kinh phí công đoàn gồm: 1- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; 2- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; 3- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; 4- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư; 5- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã; 6- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam; 7- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, việc thu kinh phí công đoàn các đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt kết quả thấp, tình trạng thất thu kinh phí công đoàn còn chiếm tỉ lệ cao; vấn đề thu kinh phí Công đoàn đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn ở Cao Bằng vẫn là một “bài toán” khó.
Công đoàn chăm lo cho người lao động.
Nhận thức của nhiều doanh nghiệp về trích đóng kinh phí công đoàn còn rất hạn chế, cố tình chây ì, không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; mặt khác, việc tiếp cận các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở rất khó khăn do địa chỉ không rõ ràng, không tìm được doanh nghiệp, không giám sát được số đoàn viên và số lao động. Về mặt khách quan, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và khu vực, các doanh nghiệp trong nước nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp ở tỉnh nói riêng không theo kịp xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, điều hành quản lý… nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lao động quá ít, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, lao động không có việc làm thường xuyên, nghỉ việc, lương thấp, đời sống khó khăn, làm ảnh hưởng đến thu kinh phí công đoàn và ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vi.
Từ thực tế trên, để thực hiện có hiệu quả trong công tác thu kinh phí công đoàn 2% của các doanh nghiệp chưa có tổ công đoàn cần có các giải pháp như sau:
Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn và Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN về công tác tài chính công đoàn, Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về trích nộp kinh phí Công đoàn đến các CĐCS, đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ công đoàn và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về việc thu, trích đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định của pháp luật.
Hai là: Xác định quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp để làm căn cứ thu đúng, thu đủ kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác tổ chức thu đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới gắn với trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ba là: Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH,… tuy nhiên để thực hiện được việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn theo nghị định này thì còn phụ thuộc yếu tố khác, đó là thủ tục hành chính liên quan đến việc thụ lý đơn của Tòa án nên trên thực tế chưa thực hiện được. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần chủ động, tích cực trong việc tham gia với các cơ quan chức năng của nhà nước để có sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước gồm: các cơ quan Thuế, Bảo hiểm... trong việc cung cấp thông tin về quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp có liên quan đến việc xác định số liệu về kinh phí công đoàn 2% phải trích đóng để đưa vào kế hoạch dự toán hàng năm đúng quy định.
Bốn là: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tiếp cận tới từng doanh nghiệp trên địa bàn để đôn đốc, nhắc nhở việc trích nộp kinh phí công đoàn theo Nghị định số 191/2013/NĐ-CP; phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên xuống các doanh nghiệp trao đổi, tiếp cận với giám đốc, người sử dụng lao động tại doanh nghiệp, để tạo mối quan hệ ủng hộ, trách nhiệm đối với tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Năm là: Với phương châm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp”, các cấp công đoàn chủ động chia sẻ với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, từ đó giúp doanh nghiệp hiểu đầy đủ các quy định về trích đóng kinh phí công đoàn. Cùng doanh nghiệp chăm lo cho người lao động tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ tổ chức các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.