Căn cứ tình hình thực tế, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã tổng hợp, lựa chọn những vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm để đề xuất nội dung giám sát và phản biện xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về công tác giám sát, phản biện trong hệ thống công đoàn.
Kết quả, Trong năm 2023 các cấp công đoàn chủ trì giám sát được 37 cuộc (trong đó LĐLĐ tỉnh chủ trì giám sát trực tiếp được 02 cuộc); nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, CNVCLĐ. Kết thúc giám sát, tổng hợp, báo cáo kết quả và những kiến nghị, đề xuất với các tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét giải quyết. Các tập thể, cá nhân được giám sát đã tạo điều kiện, phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của đoàn giám sát.
LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn LĐLĐ các huyện, thành phố phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành phố ở nơi làm việc, giám sát đại biểu dân cử; chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở, ban thanh tra nhân dân cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên đối với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền tại nơi làm việc. Kết quả, đến thời điểm báo cáo 100% người được giám sát thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, không phát hiện có vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác phản biện, đóng góp ý kiến đối với các văn bản như: Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên công đoàn và người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND ngày 08/12/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về chi ngân sách địa phương trợ cấp khó khăn đối với những người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng và đã hết tuổi lao động, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tại Hội nghị đã có 19 ý kiến phản biện, tham luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến góp ý, phản biện của đại biểu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế đảm bảo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.
Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND ngày 08/12/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện của tổ chức công đoàn cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội chưa được nhiều, nội dung giám sát còn chưa đa dạng, phong phú. Một số cán bộ công đoàn chưa mạnh dạn phát huy hết khả năng của mình trong việc giám sát, phản biện việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, do đó chất lượng của các Hội nghị phản biện, tham gia góp ý kiến dự thảo văn bản chưa đạt hiệu quả cao.
LĐLĐ tỉnh thực hiện giám sát việc thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động tại Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do việc tổ chức giám sát, phản biện xã hội là một việc làm khó, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có sự hiểu biết sâu về pháp luật, kinh tế - xã hội,... trong khi đó trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hạn chế, còn ít được tập huấn, bồi dưỡng riêng về nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong công nhân, viên chức, lao động đạt kết quả cao hơn, một số giải pháp được LĐLĐ tỉnh thực hiện trong thời gian tới như:
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai, học tập các quy định của Đảng, Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Uỷ ban Mặt trận Việt Nam về công tác giám sát, phản biện xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của, cán bộ, đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Kịp thời đề xuất, xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội hàng năm. Nội dung giám sát, phản biện xã hội phải được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, những vấn đề bức xúc, nảy sinh từ cơ sở gắn với quyền lợi chính đáng của đoàn viên, người lao động. Quá trình xây dựng và triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải đúng quy định và phải được tiến hành bài bản, chặt chẽ, trung thực, khách quan và khoa học.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.
- Tăng cường các hoạt động hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, học tập, nâng cao kỹ năng thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội; nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện công tác giám sát, phản biện đạt chất lượng, hiệu quả./.