Chiến thắng Biên giới 1950

Thứ ba - 13/09/2022 21:01
Chiến thắng Biên giới 1950

Đầu năm 1950, trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, Trung ương Đảng đã sáng suốt đề ra chủ trương mở chiến dịch lớn tiến công địch trên tuyến biên giới Việt - Trung. Chiến dịch được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950.          Ảnh: T.L

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, quân và dân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng: lực lượng kháng chiến phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh (đến trước Chiến dịch Biên giới, ta đã xây dựng được 2 đại đoàn và nhiều trung đoàn chủ lực), phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường.

Thực dân Pháp thực hiện kế hoạch mới, được Mỹ giúp sức ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơ-ve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ; ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc.

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung với mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Cân nhắc giữa hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tiến công địch, giải phóng biên giới ở hướng Cao Bằng - Lạng Sơn.

Sáng sớm 16/9/1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch. Mặc dù địch chống cự hết sức quyết liệt và tình huống chiến đấu diễn ra rất gay go, phức tạp, song bộ đội ta vẫn dũng cảm chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng 18/9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê, diệt và bắt trên 300 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, bắn rơi 1 máy bay.

Mất Đông Khê, quân địch rơi vào tình thế hết sức nguy khốn, Thất Khê bị uy hiếp, thị xã Cao Bằng trở nên hoàn toàn cô lập, thế phòng thủ đường số 4 bị đánh trúng huyệt trở nên lung lay. Sau khi ta diệt xong Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định địch có thể lấy lại Đông Khê để khôi phục lại tuyến phòng thủ như cũ hoặc tạo bàn đạp để tiến lên đón quân ở Cao Bằng rút về. Do đó, ý định tác chiến của ta là “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng.

Đúng như dự đoán của ta, sau thất bại Đông Khê, Tổng Chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội vàng thực hiện kế hoạch rút quân khỏi thị xã Cao Bằng theo đường số 4 nhằm tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Theo kế hoạch này, binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Thất Khê (gồm 4 tiểu đoàn, do Trung tá Lơ-pa-giơ chỉ huy), có nhiệm vụ hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón binh đoàn Sác-tông (gồm 3 tiểu đoàn, do Trung tá Sác-tông chỉ huy) từ Cao Bằng rút về. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân Pháp còn mở cuộc hành quân Phô-cơ đánh lên vùng tự do Thái Nguyên nhằm thu hút chủ lực của ta, giải tỏa cho hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn.

Việc địch đánh lên Thái Nguyên đã được Bộ Tổng Tư lệnh phán đoán từ trước và đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Vì vậy, ta vẫn tập trung lực lượng tại biên giới, kiên quyết tiến hành kế hoạch chiến dịch như đã xác định.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Đông Khê, Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung gần như toàn bộ lực lượng để đánh quân địch đi tiếp viện, lấy đó là đòn đánh then chốt quyết định giành toàn thắng. Trong khi kiên trì chờ đánh viện, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương đẩy mạnh hoạt động ở phía Nam Thất Khê, tạo thời cơ, khi có điều kiện thì đánh Thất Khê. Trung đoàn 174 được lệnh cơ động xuống nam Thất Khê.

Sau một thời gian chuẩn bị và thăm dò ý định của ta, đêm 30/9, dự đoán lực lượng của ta đã chuyển xuống hoạt động ở phía Nam, binh đoàn Lơ-pa-giơ gồm 4 tiểu đoàn bí mật hành quân từ Thất Khê lên Đông Khê. Phía Cao Bằng, đêm 3/10, binh đoàn Sác-tông gồm 3 tiểu đoàn lặng lẽ rút khỏi thị xã để hội quân với binh đoàn Lơ-pa-giơ.

Tuy nhiên, khi vừa tới Đông Khê, binh đoàn Lơ-pa-giơ lập tức bị ta chặn đánh. Từ ngày 1 - 5/10 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt ở khu vực phía Nam và Tây Đông Khê. Lơ-pa-giơ chẳng những không thực hiện được ý định chiếm Đông Khê mà còn bị ta tiêu diệt một bộ phận, cuối cùng phải chạy dồn vào khu núi đá Cốc Xả, nơi có địa hình hiểm trở, dựa vào đó cố thủ và lấy đó làm địa điểm đón quân Sác-tông. Kế hoạch hội quân ban đầu của địch bị phá vỡ, ngày 4/10, binh đoàn Sác-tông buộc phải bỏ cả xe, pháo rồi hành quân xuyên rừng về phía Cốc Xả để bắt liên lạc với Lơ-pa-giơ.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chia cắt không cho địch bắt liên lạc với nhau. Trước hết tập trung lực lượng tiêu diệt quân Lơ-pa-giơ, sau đó chuyển sang tiêu diệt quân Sác-tông. Từ chiều ngày 5 đến sáng 7/10, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, 4 tiểu đoàn của ta đã liên tục công kích địch ở Cốc Xả, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Lơ-pa-giơ cùng ban tham mưu và một bộ phận tàn quân chạy thoát, nhưng đến chiều hôm sau (8/10) toàn bộ bị bắt gọn.

Cùng ngày 7/10, khi binh đoàn Sác-tông về đến khu điểm cao 477 cách Cốc Xả 3 km về phía Tây, 5 tiểu đoàn của ta đã tiến hành bao vây công kích và kết thúc thắng lợi trận đánh sau một ngày liên tục chiến đấu, bắt sống gần 1.400 tên, trong đó có Sác-tông cùng nhiều sĩ quan chỉ huy và tên tỉnh trưởng bù nhìn Cao Bằng.

Ngày 8/10, một tiểu đoàn do Đờ-la Bôm chỉ huy từ Thất Khê tiến lên định ứng cứu cho Lơ-pa-giơ và Sác-tông cũng bị ta đánh tan.

Sau khi hai binh đoàn cơ động tinh nhuệ bị tiêu diệt, thực dân Pháp gấp rút huy động lực lượng tăng cường cho Thất Khê, đưa tổng số lực lượng ở đây lên 3 tiểu đoàn. Lực lượng đông, nhưng tinh thần binh lính rất hoang mang lo sợ.

Ngày 10/10, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm bao vây tiêu diệt Thất Khê. Trong khi lực lượng ta đang cơ động về Thất Khê, thì tối 10/10, địch bắt đầu rút khỏi Thất Khê. Một tiểu đoàn địch rút chạy bị ta chặn lại, phải đi tắt vào rừng, sau đó bị ta tiêu diệt. Địch liên tiếp rút chạy khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu. Bộ đội ta tiếp tục tổ chức truy kích địch, nhưng do sức đã giảm sút, thời tiết diễn biến không thuận lợi nên chỉ đánh được vài trận nhỏ, tiêu hao thêm một số binh lực địch. Ngày 14/10/1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc.

Phối hợp với Chiến dịch Biên giới, quân và dân ta đồng loạt tiến công địch trên khắp các chiến trường: ở Thái Nguyên, ta đánh bại cuộc hành quân Phô-cơ của Pháp; hướng Tây Bắc Bắc Bộ, ta bao vây tiến công, buộc địch rút khỏi Lào Cai, Hà Giang, thị xã Hòa Bình; ở đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt và bức rút hàng chục vị trí, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm; ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ta mở nhiều chiến dịch tiến công địch.

Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi rất to lớn trong Chiến dịch Biên giới.

Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch (có 8 tiểu đoàn Âu - Phi, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của Pháp ở Đông Dương), diệt và bắt 8.296 tên (trong đó có toàn bộ Ban Chỉ huy đồn Đông Khê và các ban chỉ huy binh đoàn Lơ-pa-giơ, binh đoàn Sác-tông), thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc.

Tính chung cả nước, trong cuộc tiến công Thu Đông năm 1950, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 12.000 địch, hạ và bức rút 217 vị trí, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khoảng 4.000 km2 với 40 vạn dân, trong đó có 5 thị xã (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình) và 17 thị trấn.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới là thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Sau bốn năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch, mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn có vị trí chiến lược trọng yếu; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, mở thông đường liên lạc với quốc tế và nối liền Việt Bắc với các vùng, miền trong nước (đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4).
Sau Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.
                


                                                                                                                                                       Quang Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay4,466
  • Tháng hiện tại109,828
  • Tổng lượt truy cập6,328,772
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây