Công an cảnh báo các thủ đoạn mới lừa đảo người lao động qua mạng xã hội

Thứ năm - 26/05/2022 23:34

Đồng Nai - Theo Công an huyện Nhơn Trạch, hiện nay trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều trường hợp người lao động có dấu hiệu bị lừa đảo qua mạng với nhiều thủ đoạn mới.

Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2022, tại huyện Nhơn Trạch ghi nhận khoảng 10 trường hợp gửi đơn tố cáo về hành vi lừa đảo trên mạng, gây thiệt hại cho các nạn nhân hàng trăm triệu đồng. Nạn nhân chủ yếu là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, phụ nữ nội trợ cần tiền để trang trải phí sinh hoạt.

Cảnh giác chiêu trò mới mua xe giá rẻ trên mạng

Thiếu tá Đặng Quang Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Nhơn Trạch - cho biết: “Ngoài các thủ đoạn cũ như vay tiền qua app hay tuyển cộng tác viên online chốt đơn hàng, một thủ đoạn khác cũng được các đối tượng sử dụng là hình thức lừa đảo trúng thưởng các sản phẩm có giá trị cao như: Xe máy, tivi, điện thoại. Theo đó, các đối tượng sẽ gọi điện cho nạn nhân và thông báo rằng: “Anh, chị đã may mắn trúng thưởng của công ty”, đồng thời yêu cầu người dân chuyển khoản trước một số tiền gọi là “phí vận chuyển” hoặc tiền thuế thì sẽ nhận được quà tặng, sau khi nạn nhân đã chuyển tiền thì cũng là lúc “lời hứa” không bao giờ được thực hiện”.

Tinh vi hơn, những đối tượng này tiếp tục có chiêu trò mới, đó là hình thức mua xe giá rẻ. Bọn chúng thường lập một trang web có nội dung bán xe máy giá rẻ nhắm vào tâm lý muốn mua xe "xịn" với giả rẻ, khiến không ít nạn nhân tiếp tục “sập bẫy”. Cụ thể, muốn mua xe, khách phải đóng các khoản phí và chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% cho bên bán. Để tạo sự tin tưởng, chúng dùng phần mềm photoshop để chỉnh sửa giấy tờ, biển số xe giống y như thật rồi gửi cho khách xem. Phương thức đặt cọc chủ yếu là chuyển khoản từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Khi nhận được tiền cọc, các đối tượng liền... chặn liên lạc đối với nạn nhân. 

Vay tiền trên mạng lại bị mất tiền

Một nội dung tin nhắn khi chị H. bị mất số tiền 101,8 triệu đồng sau khi tham gia cộng tác viên online chốt đơn hàng trên mạng. Ảnh: NVCC
Một nội dung tin nhắn khi chị H bị mất số tiền 101,8 triệu đồng sau khi tham gia cộng tác viên online chốt đơn hàng trên mạng.
Ảnh: NVCC

Còn anh P.V.T (ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đã trình báo Công an huyện Nhơn Trạch về việc tiền của anh “bỗng dưng biến mất”. Anh T kể: “Một lần tình cờ lướt mạng, tôi thấy quảng cáo về App cho vay tiền thủ tục đơn giản nên tải về và đăng ký vay 60 triệu đồng. Sau đó, số điện thoại có đầu số 076 gọi đến tự xưng là nhân viên tư vấn khách hàng và kết bạn Zalo với tôi, yêu cầu tôi cung cấp thông tin và chứng minh thư để làm hồ sơ.  Trong quá trình làm hồ sơ, nhân viên này báo với tôi hồ sơ bị lỗi nên yêu cầu nộp tiền bảo lãnh. Sau 5 lần chuyển tiền vào số tài khoản mang tên “Vo Van Phuoc” và “Nguyen Thanh Bình” tại 2 ngân hàng khác nhau với tổng cộng 81 triệu đồng, tôi vẫn không nhận được số tiền cần vay...".

Tương tự, chị T.T.T.T (ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), đang là người lao động tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 - kể lại: “Lướt Facebook, tôi thấy tài khoản tên “N.T” đăng nội dung cho vay tiền. Tôi nhắn tin trao đổi cách thức vay thì được yêu cầu gửi hình ảnh sổ hộ khẩu, thẻ ATM chụp 2 mặt, hình ảnh màn hình internet - banking và bắt buộc trong thẻ của tôi phải có 10% số tiền muốn vay. Khi đó, tài khoản tôi có hơn 10,8 triệu đồng và tôi cũng không nghi ngờ gì nên đã gửi tất cả thông tin mà đối tượng này yêu cầu...”.

Sau vài động tác "xác nhận thông tin", số tiền hơn 10 triệu đồng trong tài khoản chị T “bỗng dưng biến mất”. Cùng lúc, chị bị chặn tất cả tài khoản Facebook, Zalo, số điện thoại.

Trước đó, chị H (làm tại một công ty trong khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch) đã gửi đơn trình báo đến Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch về việc chị bị lừa số tiền 101,8 triệu đồng sau khi tham gia làm cộng tác viên online, chuyên “săn hàng sale hộ”.

Một đơn hàng mà chị H thực hiện sau khi tham gia làm cộng tác viên online chốt đơn hàng trên mạng. Ảnh: NVCC

                            Một đơn hàng mà chị H thực hiện sau khi tham gia làm cộng tác viên online chốt đơn hàng trên mạng. Ảnh: NVCC

Tương tự, chị L.T.T.H (ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) cũng đã chuyển khoản nhiều lần vào tài khoản “Pham Thi Trang” của một ngân hàng với số tiền trên 125 triệu đồng và cũng không nhận lại được. 

“Các đối tượng này liên tục yêu cầu tôi thực hiện hết đơn này rồi lại đến đơn khác với giá trị ngày càng cao dần, khi không còn khả năng “chốt đơn” cũng là lúc tôi nhận ra mình bị lừa” - chị L.T.T.H nói.

                                                                                                       XUÂN MAI - HÀ ANH CHIẾN (BÁO LAO ĐỘNG)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay3,698
  • Tháng hiện tại109,060
  • Tổng lượt truy cập6,328,004
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây