Chú trọng đào tạo nâng chất đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

Thứ năm - 03/08/2017 03:20
“Nhiệm kỳ này chúng ta có chuyển hướng hướng về cơ sở nhưng phải thừa nhận là chưa đồng bộ, còn đẩy việc về cơ sở. Chúng ta cần có những chương trình nâng chất, đào tạo đội ngũ cán bộ CĐCS, phát hiện nhân tố mới ở cơ sở” - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nêu ý kiến chỉ đạo tại hội thảo góp ý kiến báo cáo của BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 2.8 tại TPHCM.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đại biểu. Ảnh: L.T
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đại biểu. Ảnh: L.T
Chủ trương hướng về cơ sở cần rõ nét, cụ thể

Anh Nguyễn Hữu Cần - Chủ tịch CĐ Cty TNHH PouLi (KCN Phước Đông, Tây Ninh) - chia sẻ câu chuyện của mình, trước khi về PouLi, anh là Chủ tịch CĐ tại một DN làm về nến với mức lương 7 triệu đồng. Khi thương lượng với chủ DN để điều chỉnh lương cơ bản, anh nói: “DN bên cạnh tăng lương 500.000 đồng nên đề nghị Cty cũng tăng lương cho công nhân mức đó, vì nếu tăng thấp hơn sẽ dẫn đến đình công hoặc xáo trộn lao động”.

Khi nghe anh trình bày như thế, chủ DN liền nói: “Nếu thấy bên lương tốt hơn thì anh qua bên đó mà làm. Tôi không thuê anh nữa”. Bất mãn với cách ứng xử của ban giám đốc, anh xin nghỉ việc và qua đơn vị mới phụ trách CĐ với mức lương chỉ bằng ½, tức 3,5 triệu đồng/tháng.

Anh cho biết, đến nay mức lương của anh được cải thiện, anh an tâm làm việc vì chủ DN tạo điều kiện để CĐ hoạt động. “Nếu chủ DN ủng hộ CĐ thì không vấn đề gì, tuy nhiên, có những chủ DN tỏ ra là phe “đối kháng” thì CĐ cấp trên cần hỗ trợ CĐCS, bởi cán bộ CĐCS hiện đang nhận lương của chủ DN, chưa kể, đa phần còn là cán bộ bán chuyên trách” - anh Cần nói.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch CĐ Cty giày Ching Luh (Long An) - cho rằng, chủ trương của Tổng LĐLĐVN là hướng về cơ sở nhưng thực sự chưa rõ nét. Có những CĐCS tan rã mà CĐ cấp trên không biết.

“Bản thân tôi may mắn được tham gia nhiều lớp tập huấn của LĐLĐ tỉnh, Tổng LĐLĐVN nên những công việc của CĐ tôi mới tự tin làm. Tôi thấy ở nhiều đơn vị khác, có những việc rất đơn giản, BCH CĐ không biết xử lý sao. Thành lập CĐCS mới, kết nạp đoàn viên mới dễ thôi nhưng làm như thế nào cán bộ CĐCS biết cách hoạt động, đoàn viên tin tưởng đó là điều CĐ cấp trên cần quan tâm. CĐ cấp trên cần duy trì sinh hoạt, xuống thăm cơ sở để chủ DN thấy được sự quan tâm của tổ chức, tăng thêm uy tín cho CĐCS, góp phần tạo điều kiện để CĐCS hoạt động” - anh Khải nói.

“Không chỉ là đào tạo đội ngũ chủ tịch CĐCS mà tổ chức CĐ cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, xử lý tình huống cho các tổ trưởng tổ CĐ, bởi đó là những người gần gũi với đoàn viên, NLĐ nhất. Đào tạo tổ trưởng CĐ chính là góp phần nâng chất CĐCS, xây dựng lực lượng CĐ vững mạnh từ cơ sở” - anh Phan Hữu Quốc Việt - Chủ tịch CĐ Cty CP Điện nước An Giang (An Giang) - chia sẻ. Theo anh Việt, một cách để CĐ cấp trên hỗ trợ hoạt động cho CĐCS chính là LĐLĐ tỉnh, huyện cần xây dựng mối quan hệ tốt với các chủ DN, khi CĐCS gặp khó khăn gì, các ban chuyên đề cần phải vào cuộc hỗ trợ ngay.

Trả lời các ý kiến, ông Trần Thanh Hải thừa nhận lâu nay chính sách cho cán bộ CĐ chuyên trách còn nửa vời, chưa đồng bộ. Hướng sắp tới sẽ có chính sách tổng thể, chủ tịch CĐ phải được bầu ngay đại hội, thể hiện tinh thần dân chủ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng cho rằng cần có chính sách đào tạo cơ bản cho cán bộ CĐ ngay sau khi trúng cử “chứ không phải quăng các em ra giữa biển rồi bảo bơi đi khi chưa dạy các em học bơi một bữa nào”.

Công đoàn đang “choàng” quá nhiều vai

Một bất cập được ông Nguyễn Thiện Phước - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - nhắc lại nhiều lần đó chính là CĐ quận, huyện thực hiện Thông tư 08 của Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐVN về thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Theo ông Phước, đang có sự nhầm lẫn về vai trò giữa chính quyền và tổ chức đoàn thể. Đáng lý CĐ chỉ là đơn vị vận động thực hiện, đằng này lại là đơn vị đánh giá, trao chứng nhận “Đơn vị văn hóa”. Tiêu chuẩn “Đơn vị văn hóa” gồm: Hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành chính sách pháp luật, an toàn vệ sinh lao động, ngộ độc thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, sinh đẻ có kế hoạch…

Trong khi các tiêu chuẩn này đã có luật điều chỉnh, đáng nói, tiêu chuẩn về hoạt động văn hóa thể thao cho CNLĐ lại không rõ rét. “Bình Dương đã làm hết cách nhưng chỉ có 30% số DN đạt, các DN không đạt cũng không có chế tài gì. Thời gian qua, CĐ Bình Dương rất vất vả, đau đầu với việc này. Tổng LĐLĐVN cần có kiến nghị để tinh gọn lại hoặc thay đổi vai trò trong thực hiện mới hợp lý” - ông Phước đề nghị.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) Lê Văn Vang kiến nghị, Tổng LĐLĐVN cần mạnh dạn cho LĐLĐ cấp tỉnh quyết định nhân sự để phù hợp với điều kiện hoạt động của địa phương mình. Đối với những địa bàn đông CNLĐ, khối lượng việc của CĐ ngày càng tăng, “choàng” quá nhiều vai nhưng biên chế, lao động lại bị khống chế, chưa kể đến năm 2020 phải tinh giản 10% là rất khó cho các địa bàn có đông CNLĐ.

Bàn về chức năng khởi kiện của tổ chức CĐ, ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch CĐ các KCX-CN TPHCM - cho rằng: Khởi kiện là một phần trong việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức CĐ để bảo vệ quyền lợi NLĐ, tuy nhiên, hiện nay vướng nhiều thủ tục, không thực hiện được.

Ông Tuấn ví dụ, trước đây khi ông còn làm Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn có khởi kiện một DN nợ BHXH theo thủ tục kiện tập thể nhưng bị tòa trả hồ sơ. Sau đó, LĐLĐ huyện Hóc Môn đi vận động từng công nhân, rồi kiện thành từng vụ riêng lẻ. Tòa tuyên thắng án, xong DN không thi hành án. Ông Tuấn kiến nghị: “Tổng LĐLĐVN phải đề xuất Chính phủ hoặc ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng để có sự phối hợp đồng bộ với tổ chức CĐ trong bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”.

Ông Trần Thanh Hải ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của cán bộ CĐCS, cấp trên cơ sở và LĐLĐ tỉnh và lưu ý khi CĐ các cấp tổ chức đại hội cho nhiệm kỳ mới. Cụ thể, CĐ cần nhận diện phong trào thi đua làm sao có lợi cho NLĐ, có lợi cho chủ DN nhưng không tạo áp lực quá lớn lên NLĐ; Phát huy tinh thần đoàn kết của tổ chức CĐ khi xây dựng 50 thiết chế phục vụ cho đoàn viên; Chú trọng hoạt động công tác nữ công.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh: “Khi xây dựng phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới, từng cấp một, tại đại hội, các đồng chí phải hứa vói đoàn viên của mình là nhiệm kỳ này sẽ làm được gì, cụ thể, chi tiết và làm cho tốt chứ đại hội không phải là dịp “đến hẹn lại lên””.

Nguồn tin: Báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn






hoidapldld
 
11

FANPAGE
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay3,060
  • Tháng hiện tại92,759
  • Tổng lượt truy cập6,469,496
Logomo i
©  2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Km5, Quốc lộ 3, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852384  -  Fax: 02063 954538  -  Email: vanphongldldcb@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://ldld.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây