Phương án chốt tăng lượng tối thiểu năm 2018 là 6,5% được Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết mới chỉ đáp ứng từ 92-96% mức sống tối thiểu của người lao động. Nghĩa là trong năm 2018, tình trạng “lương không đủ sống” vẫn tồn tại trong cuộc sống của người lao động. Cũng theo hội đồng, theo lộ trình sớm nhất phải đến năm 2020 thì mức tăng lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu của công nhân, lao động.
Như vậy, đồng lương tối thiểu của người lao động đã “còm cõi” sẽ càng thêm “còm cõi” nếu thuế VAT tăng ở mức phổ biến từ 10% lên 12% từ thời điểm ngày 1.1.2019. Khi đó, mức hụt như hiện nay được tính toán là từ 4-8% sẽ càng tăng lên vì người làm công ăn lương sẽ phải chi phí nhiều hơn do bị tăng thuế VAT. Thuế VAT là thuế tiêu dùng, chính là một sắc thuế có độ phủ rộng nhất tác động đến hầu như không chừa một ai. Nói một cách không quá rằng, từ đứa trẻ sơ sinh được vài ngày bắt đầu bú sữa mẹ (người mẹ phải ăn, uống bồi bổ nhiều hơn để có sữa cho con) cho đến người quá cố (khâu hậu sự) đều phải chịu thuế VAT vì đều phát sinh tiêu dùng. Và tất nhiên, những tiêu dùng của đối tượng chưa tới tuổi lao động hoặc mất khả năng lao động sẽ dồn gánh nặng lên người lao động hiện hữu.
Cần nhớ rằng, mức tăng lương tối thiểu bảo đảm được mức sống tối thiểu dự kiến vào năm 2020 mới chỉ là khả năng. Và khả năng này đang bị “đe dọa” trước đề xuất tăng thuế VAT. Khi đó, không chỉ đơn thuần là mức tăng lương tối thiểu trừ cho 2% mức tăng thuế VAT mà có thể còn bị thâm lạm nhiều hơn vào đồng lương “còm” của người lao động. Bởi mức tăng lương tối thiểu trên thực tế là trên một đầu thu nhập, trong khi mức chi tiêu vì tăng thuế VAT lại trải rộng ở hàng trăm ngàn loại dịch vụ, hàng hóa trong đó có nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản, thiết yếu, mỗi thứ đều vì tăng thuế VAT 2% mà có thể tăng giá.
Gánh nặng chồng gánh nặng lên người thu nhập thấp
Người có thu nhập thấp, người nghèo bị ảnh hưởng nhiều chứ không phải không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế VAT như lời một thứ trưởng Bộ Tài chính. Thị trường Việt Nam cực kì nhạy cảm về giá, bất cứ một động thái nào về tăng thuế tăng phí cũng đều dẫn đến hệ lụy ngay lập tức tăng giá, và tất nhiên đối tượng bị tổn thương nhiều nhất như đã nói – người thu nhập thấp, người nghèo.
Trong một bài viết mới đây, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) đã có những phân tích dựa theo số liệu trong “Báo cáo điểm lại” của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tháng 7.2014. Theo đó, 20% hộ giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập trung bình cao hơn tới 8,5 lần so với 20% hộ nghèo nhất, nhưng mức đóng thuế VAT chỉ cao hơn chưa tới 4,5 lần, tính ra gánh nặng về thuế VAT của 20% hộ nghèo nhất cao gấp 1,9 lần so với 20% hộ giàu nhất.
Gánh nặng về thuế VAT đã cao hơn theo tỉ lệ, thì một khi tăng thuế, gánh nặng càng nặng gánh thêm nhiều lần. Những lí giải rằng nhiều mặt hàng thiết yếu, hàng hóa dịch vụ cơ bản không tăng thuế VAT sẽ giúp “nhẹ gánh” cho người nghèo chỉ là những lí giải ở bề mặt.
Bởi trên thực tế, không có loại hàng hóa, dịch vụ nào mà không có sự liên quan tới các loại hàng hóa hay dịch vụ khác. Đơn cử cân thịt, con cá hay mớ rau, muốn đến được tay người dùng thì cũng phải cần nhiều yếu tố đầu vào (xăng dầu của dịch vụ vận chuyển, tiền công lao động, dịch vụ đóng gói.v.v…) và nhiều tầng nấc trung gian. Đó chính là những ngách tăng giá mà nhiều khi chỉ chờ chực có lí do để tăng.
Và cũng trên thực tế, các dịch vụ và hàng hóa cơ bản thiết yếu thường nhạy cảm với việc tăng giá hơn những loại hàng hóa dịch vụ khác vì luôn có nhu cầu tiêu dùng cao và phổ quát, chính vì thế mà người có thu nhập thấp càng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương hơn.