Sáng 28.7, phiên họp thứ hai để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) được tổ chức tại Khách sạn CĐ (Hà Nội) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp. Về phía Tổng LĐLĐVN, đại diện cho người lao động có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính. Về phía đại diện cho người sử dụng LĐ có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng.
Trao đổi với phóng viên ngay trước khi cuộc họp diễn ra, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, tất cả con số về kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa hơn năm 2016, vì vậy không có lý gì mức tăng LTT vùng thấp hơn năm 2017!
Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cũng cho biết, nếu lộ trình LTT vùng đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%; còn nếu kéo dài hơn thì xuống thấp hơn là 10%. “Quan trọng là Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xác định khi nào kết thúc lộ trình tiền LTT vùng đáp ứng nhu cầu tối thiểu; còn nếu một bên xác định còn một bên không thì chắc chắn sẽ vênh nhau” - Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nói.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định, nếu đề xuất về mức tăng của Tổng LĐLĐVN không được chấp nhận thì Tổng LĐLĐVN sẽ sử dụng quyền dừng cuộc họp.
Muốn “sức khỏe” DN tốt thì NLĐ cũng phải được chăm lo tốt
Trong suốt buổi sáng diễn ra phiên họp, phía Tổng LĐLĐVN thể hiện thiện chí của mình, đảm bảo quyền lợi NLĐ nhưng cũng chia sẻ với khó khăn của DN. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đánh giá, tình hình KT- XH 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực hơn năm 2016; môi trường kinh doanh được cải thiện. GDP 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 61.276 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỉ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; 43% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2017 tốt hơn quý trước; 37,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ có 19,2% số DN đánh giá gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương của Đảng và Nhà nước đã xác định từng bước điều chỉnh mức LTT vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Hơn nữa, Điều 91 Bộ luật LĐ 2012 đã quy định: Tiền LTT đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Đáng lẽ điều này phải thực hiện ngay từ năm 2013, không thể mãi trì hoãn được nữa.
Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cũng cho rằng, năm 2018 là năm diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam. Do đó việc điều chỉnh mức LTT phù hợp là sự ghi nhận và cổ vũ NLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất để phát triển KT-XH.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Tổng LĐLĐVN tại 17 địa phương cho thấy, có 54,4% số NLĐ bức xúc tiền lương, thu nhập không đủ sống; 37,4% số NLĐ bức xúc vì lương thấp, các khoản phụ cấp ít; 26,3% cho rằng DN đưa ra định mức LĐ (mức khoán) cao; 25,1% số NLĐ bức xúc vì DN trả lương thiếu công bằng; 21% số NLĐ cho rằng DN trả lương không đúng với sức LĐ của họ bỏ ra.
Từ những căn cứ trên, tại phiên họp, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính đưa ra 2 phương án tăng LTT vùng. Phương án thứ nhất, nếu đáp ứng lộ trình LTT đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%; còn phương án thứ 2 lộ trình kết thúc vào năm 2019 thì mức tăng phải là 10%. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính khẳng định, quan điểm của Tổng LĐLĐVN là mức tăng không thể thấp hơn mức tăng năm 2017.
Các thành viên khác Tổng LĐLĐVN đều cho rằng, tăng LTT vùng cần quan tâm đến các yếu tố: Bù trượt giá; tăng trưởng kinh tế, bù thiếu hụt theo lộ trình LTT vùng đáp ứng nhu cầu tối thiểu (khoảng 7-10%)… Vì vậy, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng từ 10% trở lên là phù hợp và có căn cứ. Một thành viên của Tổng LĐLĐVN cho rằng, cần chia sẻ với “sức khỏe” của DN. Tuy nhiên, muốn “sức khỏe” DN tốt thì NLĐ cũng phải được chăm lo tốt. Do đó, mức tăng 10% như Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đề xuất là phù hợp.
Tuy nhiên, phía đại diện người sử dụng LĐ - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng một mặt cho rằng điều chỉnh tiền LTT vùng năm 2018 là cần thiết, nhưng lại cho biết, cần chia sẻ vì DN đang khó khăn, nhất là những DN trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử…; nếu tăng cao, nguy cơ DN phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm lực lượng LĐ, dẫn đến thất nghiệp... Từ đó, ông Phòng đề xuất mức tăng rất thấp, chỉ là 1-2%. Trong khi đó, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất tăng 5%; Hiệp hội Da giày đề xuất phương án tăng hơn 5%; Hiệp hội DN nhỏ và vừa đưa ra 2 đề xuất: Thứ nhất là không tăng hoặc là tăng 4%.
Để bày tỏ thiện chí của mình, các thành viên của Tổng LĐLĐVN đã hội ý và thống nhất giảm mức tăng LTT vùng năm 2018 xuống còn 8%. Tuy nhiên, phía đại diện chủ sử dụng LĐ vẫn giữ nguyên mức tăng chỉ là 5%. Vì vậy, đến 12 giờ ngày 28.7, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất tạm dừng phiên họp. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp đồng ý tạm dừng phiên họp và dự kiến sáng 7.8 các bên sẽ họp lại để có thể tìm ra tiếng nói chung.
Ý kiến của các bên sau khi tạm dừng phiên họp:
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch HĐTLQG Mai Đức Chính: Trong phiên họp lần 2, phía giới chủ sử dụng LĐ chỉ nâng mức tăng LTT vùng năm 2018 tối đa chỉ là 5%, mức này chỉ đủ mức bù trượt giá, coi như không tăng nên Tổng LĐLĐVN không thể chấp nhận, Tổng LĐLĐVN đã đề nghị dừng phiên họp. Năm nay tình hình chỉ số KT-XH có nhiều điểm sáng, thì không có lý nào điều chỉnh LTT vùng lại thấp hơn năm 2017 được. Tôi đã đưa ra cảnh báo tại phiên họp là Tổng LĐLĐVN không thể chấp nhận thấp hơn mức tăng của năm 2017. Chắc chắn, trong phiên họp tới đây (dự kiến ngày 7.8), nếu các bên không thống nhất được phương án thì Bộ LĐTBXH sẽ đưa ra 1 phương án trung gian giữa hai bên để bỏ phiếu. QUẾ CHI (ghi)
Thứ Trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp: Khác với phiên họp lần thứ nhất, tại phiên họp thứ hai, các thành viên, đặc biệt là từ phía chủ sử dụng LĐ và đại diện NLĐ đã đối thoại thiện chí để tiến tới mức tiền LTT vùng năm 2018. Đến thời điểm này, khoảng cách chênh lệch mức tiền lương tối thiểu đã thu hẹp chỉ còn 1/3 so với hai phương án đưa ra tại phiên họp lần thứ nhất. Hiện nay, chỉ còn hai phương án đưa ra xem xét. Trong thời gian 1 tuần sắp tới, đại diện phía chủ sử dụng LĐ và đại diện cho NLĐ có thể xem xét, tiếp xúc và thống nhất phương án. Nếu như hai bên thống nhất được một phương án đưa ra bỏ phiếu và tỉ lệ ủng hộ phương án đó quá bán thì đây là phương án cuối cùng của HĐTLQG. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được, phương án nào đạt được tỉ lệ ủng hộ cao hơn thì phương án đó được lựa chọn. HOA LÊ (ghi)
Phó Chủ tịch VCCI - Phó Chủ tịch HĐTLQG Hoàng Quang Phòng: Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của Tổng LĐLĐVN là LTT vùng hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. DN cũng mong muốn, sẽ phấn đấu để có được khả năng chi trả cao hơn, đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên DN cần có sự điều chỉnh cơ cấu lại sản xuất và đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất LĐ. Làm được việc đó, chúng ta mới khỏa lấp được khoảng trống của sự tiệm cận giữa LTT và mức sống tối thiểu. Chúng tôi cũng phải trao đổi thêm với thành viên Hội đồng, cân nhắc các yếu tố, khảo sát để có nhiều thông tin hơn để đưa ra quyết định phù hợp, đáp ứng được mục tiêu chung của hai bên trong phiên họp tiếp theo. HOA LÊ (ghi)
Ý kiến của cán bộ Công đoàn và người lao động
Tăng lương tối thiểu vùng 2018 không thể thấp hơn năm 2017
Anh Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh: Tại Bắc Ninh, tổng thu nhập của CNLĐ (bao gồm lương, tiền làm thêm và cả các loại phụ cấp) có thể cao, nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH là rất thấp, chỉ ở mức 3,7 triệu đồng. Tăng mức LTT vùng đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ tham gia đóng BHXH ở mức cao, nhờ đó, khi về hưu, tuổi đã cao mới có mức lương đảm bảo cuộc sống. Nếu đại diện giới chủ sử dụng LĐ chỉ nâng mức tăng LTT vùng năm 2018 tối đa chỉ là 5%, điều này theo tôi là không hợp lý bởi mức tăng này chỉ đủ mức bù trượt giá, coi như không tăng. TẤT THẢO ghi
Chị Vũ Thị Duyên (Cty TNHH linh kiện điện tử SEI Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội): Hiện nay, thu nhập của tôi tại Cty trung bình gần 6 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu như tiền thuê nhà, tiền ăn 2 bữa/ngày, chi phí điện nước thì tôi cũng chẳng để dành được bao nhiêu. Tôi cho rằng, với thu nhập hiện nay, tự nuôi sống bản thân mà không dựa vào gia đình là tốt lắm rồi. Do đó, trong thời gian tới nếu LTT vùng tăng từ 300.000 - 400.000 đồng cũng rất tốt cho NLĐ. H.A ghi
Chị Phan Thị Bích Hải (Chủ tịch CĐ Cty TNHH TOTO Việt Nam): Tình hình giá cả tiêu dùng, các khoản điện, nước, tiền thuê nhà đều đã tăng chứ không giảm, do đó việc phải tăng LTT vùng cho NLĐ là việc dứt khoát phải làm. Và mức tăng phải làm sao giúp NLĐ đáp ứng được cuộc sống tối thiểu, đồng thời phù hợp với việc phát triển, tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.H.A ghi
Chị Nguyễn Thị Thắm (CN KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội): Mức lương hiện tại của tôi nếu không làm thêm chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Với số tiền trên, tính ra không đủ để tôi chi tiêu với mức sống tối thiểu. Tôi chưa có gia đình, đang thuê trọ một mình. Mỗi tháng, tiền thuê nhà, tiền điện nước đã hết khoảng 700.000 - 800.000 đồng; rồi tiền ăn uống (3 triệu đồng) và rất nhiều khoản chi khác. Vì vậy, tăng LTT vùng với tôi là rất cần thiết, để đảm bảo cuộc sống của người công nhân. QUẾ CHI ghi