Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, gia đình Việt Nam đã xây dựng, gìn giữ và phát triển một hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, duy trì được sự gắn kết các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Gia đình Việt Nam còn là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn, tri thức quý báu của dân tộc, hướng con người đến những giá trị của chân, thiện, mỹ.
Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”. Điều này càng khẳng định xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước.
Xác định xây dựng văn hoá gia đình trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ) giữ vị trí quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Do vậy Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh luôn xác định việc triển khai tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác công đoàn. Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy; sự phối hợp chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh. Ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp CĐ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư TW Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục triển khai, quán triệt các nội dung Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; hằng năm LĐLĐ đã chủ động xây dựng Kế hoạch về thực hiện công tác gia đình; chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố hướng dẫn Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động tọa đàm trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc; gặp mặt, tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình gia đình CNVCLĐ tiêu biểu; gia đình có nhiều thế hệ chung sống hạnh phúc, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ…
Việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc luôn được các cấp công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ quan tâm, được hầu hết các cấp ủy, chính quyền, công đoàn các cấp đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đơn vị, địa phương. Các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đem lại những hiệu quả tích cực. Gắn công tác xây dựng gia đình văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức các hoạt động về công tác giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học tốt... làm tốt công tác công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác gia đình như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bình đẳng giới; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nhân các ngày kỷ niệm: ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (từ 01/6 đến 30/6), cao điểm là ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10),…các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi thu hút đông đảo đoàn viên, CCVCLĐ tham gia như: Mít tinh, gặp mặt, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng gia đình; các Hội thi: Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình, kiến thức về Dân số-KHHGĐ, thi nấu ăn với các chủ đề "Kết nối yêu thương", “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, cắm hoa nghệ thuật...; các diễn đàn nói chuyện chuyên đề về “Bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, "kỹ năng làm cha, làm mẹ"; tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ, gặp mặt dâu rể; gặp mặt biểu dương gia đình nữ CCVCLĐ tiêu biểu. Ngoài ra các CĐCS tổ chức cho CCVCLĐ đi tham quan du lịch, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền giáo dục kiến thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; kiến thức nuôi dạy con; thông qua các hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, khẩu hiệu tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nơi đông dân cư.
Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của CCVCLĐ những chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, trách nhiệm của người chồng và các thành viên trong gia đình để chia sẻ công việc với người phụ nữ, tạo điều kiện để chị em vừa đảm đang việc nhà, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác xã hội. Nhờ vậy, hằng năm có trên 90% nữ CCVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; nhiều chị được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cơ sở, nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn.
Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Từ những vấn đề đó cần có những giải pháp trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình.
Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Xây dựng danh mục dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình.
Tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình; hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình; sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề gia đình.
Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình theo hướng tích hợp đa ngành, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình.
Thứ tư, đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về gia đình.
Tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.